Văn phòng đại diện là một hình thức đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp phổ biến hiện nay. Vậy khi thành lập và hoạt động văn phòng đại diện cần phải nộp những loại thuế nào? Hãy cùng Luật Hợp Nhất tìm hiểu thông qua nội dung bài viết dưới đây.
1. Văn phòng đại diện là gì?
Văn phòng đại diện được định nghĩa theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật Doanh nghiệp năm 2020. Theo đó, văn phòng đại diện được định nghĩa như sau:
“Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó. Văn phòng đại diện không thực hiện chức năng kinh doanh của doanh nghiệp.”
Như vậy, pháp luật hiện nay đã quy định rất rõ ràng về việc văn phòng đại diện không thực hiện chức năng kinh doanh của doanh nghiệp. Nội dung hoạt động chủ yếu của văn phòng đại diện là việc đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó.
Theo quy định hiện nay, văn phòng đại diện vẫn phải thực hiện đăng ký thuế và có mã số thuế riêng của văn phòng đại diện để thực hiện kê khai, nộp thay một số khoản thuế nếu có của văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật.
2. Văn phòng đại diện phải nộp những loại thuế nào?
Khi thành lập một đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có một số loại thuế được quan tâm bao gồm: lệ phí môn bài, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.
2.1. Lệ phí môn bài
Hiện nay, việc kê khai và nộp lệ phí môn bài của các tổ chức, cá nhân được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài. Theo quy định tại khoản 6 Điều 2 Nghị định số 139/2016/NĐ-CP, người nộp lệ phí môn bài bao gồm những chủ thể:
“Người nộp lệ phí môn bài là tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại Điều 3 Nghị định này, bao gồm:
…6. Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của các tổ chức quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này (nếu có).”
Như vậy, văn phòng đại diện của doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật thuộc đối tượng phải nộp lệ phí môn bài khi có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Trường hợp văn phòng đại diện của doanh nghiệp hoàn toàn không có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thì không phải nộp lệ phí môn bài.
Mức lệ phí môn bài đối với văn phòng đại diện theo quy định tại Điều 4 Thông tư 302/2016/TT-BTC:
“Điều 4. Mức thu lệ phí môn bài
1. Mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:
…c) Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: 1.000.000 (một triệu) đồng/năm.”
2.2. Thuế giá trị gia tăng
Tại Điều 4 Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 có quy định về người nộp thuế cụ thể như sau:
“Người nộp thuế
Người nộp thuế giá trị gia tăng là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng (sau đây gọi là cơ sở kinh doanh) và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng (sau đây gọi là người nhập khẩu).”
Văn phòng đại diện là một đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, vì vậy văn phòng đại diện không thực hiện hạch toán độc lập và hạch toán phụ thuộc vào trụ sở chính. Vì vậy, văn phòng đại diện không cần thực hiện thủ tục kê khai thuế giá trị gia tăng mà công ty sẽ thực hiện kê khai tập trung tại trụ sở chính. Do đó, văn phòng đại diện không phải nộp thuế giá trị gia tăng.
Đối với các chi phí đầu vào liên quan đến hoạt động của văn phòng đại diện được công ty kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng nếu đáp ứng các điều kiện về khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào theo quy định.
2.3. Thuế thu nhập cá nhân
Theo quy định tại điểm a.1 khoản 1 Điều 24 Thông tư số 111/2013/TT-BTC, văn phòng đại diện thuộc đối tượng phải trả thu nhập phải thực hiện đăng ký thuế thu nhập cá nhân:
“1. Đối tượng phải đăng ký thuế
…a) Tổ chức, cá nhân trả thu nhập bao gồm:
a.1) Các tổ chức, cá nhân kinh doanh kể cả các chi nhánh, đơn vị phụ thuộc, đơn vị trực thuộc hạch toán riêng và có tư cách pháp nhân riêng”.
Như vậy, trường hợp văn phòng đại diện trực tiếp ký hợp đồng lao động với người lao động làm việc tại văn phòng đại diện thì đã phát sinh nghĩa vụ trả thu nhập cho người lao động và phải kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân thay cho những người lao động làm việc ở văn phòng đại diện.
Ngoài ra, trường hợp doanh nghiệp chính thực hiện ký hợp đồng lao động với những người lao động làm việc tại văn phòng đại diện thì văn phòng đại diện không phải kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân mà doanh nghiệp thực hiện kê khai và khấu trừ thuế thu nhập cá nhân của người lao động tại trụ sở chính của doanh nghiệp, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 19 Thông tư số 80/2021/TT-BTC.
Quý bạn đọc có thắc mắc hoặc có nhu cầu cần được tư vấn về vấn đề nêu trên vui lòng liên hệ địa chỉ email: info@hnlaw.com.vn, SĐT: 0972362884 của Công ty Luật TNHH Hợp Nhất để được hướng dẫn thêm!
————————-
Người thực hiện: Nguyễn Việt Hà
Tham vấn bởi: CVCC. Tô Thị Nhung
(Bản quyền tác giả và sở hữu chuyên đề thuộc về Công ty Luật TNHH Hợp Nhất)