Trường hợp nào không có tên trong di chúc vẫn được hưởng thừa kế nhà đất?

Nhiều người cho rằng, nếu có di chúc để lại thì chỉ có những người có tên trong di chúc mới được hưởng phần thừa kế. Tuy nhiên, theo pháp luật hiện hành quy định thì vẫn còn một số trường hợp mà người không có tên trong di chúc vẫn được hưởng quyền thừa kế tài sản nói chung và thừa kế nhà đất nói riêng. Vậy hãy cùng Luật Hợp Nhất tìm hiểu quy định pháp luật về vấn đề này thông qua nội dung bài viết dưới đây.

1. Trường hợp không có tên trong di chúc vẫn được hưởng thừa kế nhà đất theo quy định của pháp luật

Căn cứ khoản 1 Điều 644 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định thì những trường hợp người được hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, bao gồm những trường hợp sau:

  • Con chưa thành niên của người để lại di sản;
  • Cha hoặc mẹ của người để lại di sản;
  • Vợ hoặc chồng của người để lại di sản;
  • Con thành niên mà không có khả năng lao động của người để lại di sản;

Như vậy, nếu một người thuộc một trong những trường hợp nêu trên dù không có tên trong nội dung của di chúc thì vẫn được hưởng thừa kế di sản nói chung và di sản là nhà đất nói riêng vì mối quan hệ huyết thống cha mẹ, con cái, quan hệ vợ chồng gắn bó với người đã mất mà pháp luật quy định.

Cũng theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì đối với người không có tên trong di chúc thì phần di sản được hưởng bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản thừa kế được chia theo pháp luật. Bên cạnh đó, trường hợp người để di chúc chỉ cho họ hưởng di sản ít hơn hai phần ba của một suất thừa kế theo pháp luật thì họ vẫn được hưởng bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì quy định về trường hợp được hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung của di chúc sẽ không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo Điều 620 hoặc người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015.

2. Trình tự, thủ tục khai nhận hưởng thừa kế nhà đất

Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ khai nhận thừa kế

– Hồ sơ để thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế nhà đất theo di chúc cần có những giấy tờ, tại liệu được quy định tại khoản 2 và 3 Điều 57, Điều 58, Điều 63 Luật Công chứng năm 2014.

– Cơ quan nhận hồ sơ và thực hiện thủ tục: Văn phòng công chứng được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Bước 2: Kiểm tra và thụ lý yêu cầu

Sau khi nhận được hồ sơ và yêu cầu công chứng, Công chứng viên kiểm tra giấy tờ đã có trong hồ sơ. 

Trường hợp hồ sơ yêu cầu công chứng đầy đủ, phù hợp với quy định của pháp luật thì thụ lý và ghi vào sổ công chứng.

Trường hợp nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại nhà đất và hưởng nhà đất là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định.

Bước 3: Niêm yết thông tin về việc khai nhận di sản thừa kế là nhà đất

Cơ quan giải quyết yêu cầu khai nhận di sản thừa kế là nhà đất tiến hành niêm yết thông tin tại Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có nhà đất trong thời hạn 15 ngày theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định số 29/2015/NĐ-CP).

Bước 4: Chứng nhận văn bản khai nhận di sản thừa kế

Sau 15 ngày niêm yết, nếu không có khiếu nại, tố cáo gì thì cơ quan công chứng sẽ tiến hành chứng nhận văn bản thừa kế.

Người thừa kế đọc lại dự thảo, ký tên vào văn bản khai nhận di sản dưới sự chứng kiến của công chứng viên, nhận bản chính văn bản khai nhận thừa kế nhà đất đã công chứng và nộp phí, thù lao công chứng.

Quý bạn đọc thắc mắc hoặc có nhu cầu cần được tư vấn về vấn đề nêu trên vui lòng liên hệ địa chỉ email: info@hnlaw.com.vn, SĐT: 0972362884 của Công ty Luật TNHH Hợp Nhất để được hướng dẫn thêm!

————————-  

Người thực hiện: Phạm Văn Minh

Tham vấn bởi: NVPL. Nguyễn Việt Hà

(Bản quyền tác giả và sở hữu chuyên đề thuộc về Công ty Luật TNHH Hợp Nhất)

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *