Thủ tục xin cấp lại giấy phép xây dựng

Giấy phép xây dựng là loại giấy tờ cần thiết để có thể thực hiện hoạt động xây dựng công trình một cách hợp pháp. Tuy nhiên, trên thực tế không tránh khỏi những trường hợp giấy phép xây dựng đã được cấp bị hỏng, rách, mất. Tại bài viết này, Luật Hợp Nhất sẽ tổng hợp các quy định pháp luật về thủ tục xin cấp lại giấy phép xây dựng gửi tới Quý bạn đọc.

1. Giấy phép xây dựng là gì?

Tại khoản 17 Điều 3 Luật Xây dựng năm 2014 có quy định như sau:

“Giấy phép xây dựng là văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình.”

Như vậy, giấy phép xây dựng là văn bản cần phải có khi tiến hành xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình. Vì vậy, nếu công trình thuộc diện phải xin giấy phép xây dựng mà chủ đầu tư không có giấy phép thì có nguy cơ phải chịu xử lý vi phạm hành chính.

Giấy phép xây dựng có 4 loại, được quy định tại khoản 3 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014 (được sửa đổi bởi khoản 30 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020), bao gồm:

– Giấy phép xây dựng mới;

– Giấy phép sửa chữa, cải tạo;

– Giấy phép di dời công trình;

– Giấy phép xây dựng có thời hạn.

2. Trường hợp được cấp lại giấy phép xây dựng

Tại khoản 1 Điều 100 Luật Xây dựng năm 2014 có quy định:

“Giấy phép xây dựng được cấp lại trong trường hợp bị rách, nát hoặc bị mất.”

Như vậy, khi giấy phép xây dựng đã được cấp có thể được cấp lại trong các trường hợp sau:

  • Bị rách, nát;
  • Bị mất.

3. Thủ tục xin cấp lại giấy phép xây dựng

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ, tài liệu cần thiết

Người nộp hồ sơ cần chuẩn bị 02 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều 52 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP.

Đơn đề nghị cấp lại giấy phép xây dựng được thực hiện theo Mẫu số 02 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Bước 2: Nộp hồ sơ

  • Người nộp hồ sơ: Chủ đầu tư xây dựng công trình.
  • Hình thức nộp hồ sơ: Hồ sơ xin cấp lại giấy phép xây dựng được nộp trực tiếp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng.
  • Nơi nộp hồ sơ: Ủy ban nhân dân quận/huyện/thị xã nơi dự định xây dựng công trình.
  • Lệ phí cấp lại giấy phép xây dựng: Theo quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố nơi dự định xây dựng công trình.

Bước 3: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ

  • Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng tiếp nhận hồ sơ và kiểm tra hồ sơ đã đầy đủ, hoàn thiện chưa.
  • Thời hạn giải quyết: trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm xem xét cấp lại giấy phép xây dựng.

Bước 4: Nhận kết quả

Chủ đầu tư nhận giấy phép xây dựng được cấp lại trực tiếp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng.

Quý bạn đọc thắc mắc hoặc có nhu cầu cần được tư vấn về vấn đề nêu trên vui lòng liên hệ địa chỉ email: info@hnlaw.com.vn, SĐT: 0972362884 của Công ty Luật TNHH Hợp Nhất để được hướng dẫn thêm!

————————-  

Người thực hiện: Nguyễn Việt Hà

Tham vấn bởi: CVCC. Tô Thị Nhung

(Bản quyền tác giả và sở hữu chuyên đề thuộc về Công ty Luật TNHH Hợp Nhất)

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *