Thủ tục xin cấp giấy phép lao động

Thủ tục xin cấp giấy phép lao động hiện nay được thực hiện như thế nào? Tại bài viết này, Luật Hợp Nhất xin được tổng hợp các quy định về thủ tục xin cấp giấy phép lao động gửi tới Quý bạn đọc.

1. Giấy phép lao động là gì?

Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa đưa ra một quy định cụ thể, rõ ràng để định nghĩa giấy phép lao động là gì. Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 151 Bộ luật Lao động năm 2019, một trong những điều kiện mà người lao động nước ngoài tại Việt Nam phải đáp ứng là “có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp”, trừ trường hợp người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động.

Với quy định như vậy, có thể hiểu giấy phép lao động là một văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người lao động nước ngoài để cho phép những người lao động có quốc tịch nước ngoài được phép lao động tại Việt Nam, trừ trường hợp người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động.

Các trường hợp người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động được thực hiện theo quy định tại Điều 154 Bộ luật Lao động năm 2019 và Điều 7 Nghị định 152/2020/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 70/2023/NĐ-CP.

2. Điều kiện cấp giấy phép lao động

Tuy pháp luật Việt Nam chưa có một quy định riêng biệt về điều kiện cấp giấy phép lao động tại Việt Nam nhưng dựa trên các quy định về điều kiện người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam tại khoản 1 Điều 151 Bộ luật Lao động 2019 và điều kiện tuyển dụng, sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam tại Điều 152 Bộ luật Lao động 2019 có thể xác định để được cấp giấy phép lao động cần người lao động cần phải đáp ứng những điều kiện sau:

– Là người có quốc tịch nước ngoài;

– Đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

– Có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, kinh nghiệm làm việc; có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;

– Không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc pháp luật Việt Nam;

– Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ trường hợp người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo Điều 154 Bộ luật Lao động năm 2019.

3. Thủ tục xin giấy phép lao động

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ cần thiết

Người sử dụng lao động nước ngoài cần xin giấy phép lao động phải thực hiện thủ tục xin chấp thuận về việc sử dụng lao động nước ngoài tại Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.

Sau khi đã có văn bản chấp thuận về việc sử dụng lao động nước ngoài, người nộp hồ sơ cần chuẩn bị một bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 9 Nghị định 152/2020/NĐ-CP và Quyết định số 526/QĐ-LĐTBXH năm 2021.

Bước 2: Nộp hồ sơ xin giấy phép lao động cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc.

– Thời hạn nộp hồ sơ: Trước ít nhất 15 ngày, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc tại Việt Nam.

– Người nộp hồ sơ: Tùy theo từng trường hợp mà người thực hiện nộp hồ sơ có thể là người lao động nước ngoài hoặc doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài.

– Thời gian giải quyết: Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Bước 3: Nhận kết quả giải quyết thủ tục

– Trường hợp hồ sơ hợp lệ và được cấp giấy phép lao động: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài.

– Trường hợp không được cấp giấy phép lao động: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Quý bạn đọc thắc mắc hoặc có nhu cầu cần được tư vấn về vấn đề nêu trên vui lòng liên hệ địa chỉ email: info@hnlaw.com.vn, SĐT: 0972362884 của Công ty Luật TNHH Hợp Nhất để được hướng dẫn thêm!

————————-  

Người thực hiện: Nguyễn Việt Hà

Tham vấn bởi: CVCC. Tô Thị Nhung

(Bản quyền tác giả và sở hữu chuyên đề thuộc về Công ty Luật TNHH Hợp Nhất)

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *