Khi trong gia đình có người qua đời và để lại di sản, việc thực hiện phân chia di sản thừa kế là một trong những mối quan tâm của những người thừa kế để đảm bảo giữ gìn và phát triển được khối di sản mà người qua đời để lại. Tuy nhiên, đối với trường hợp người thừa kế không có điều kiện tự mình thực hiện các thủ tục để khai nhận di sản thừa kế có thể ủy quyền cho người khác không và việc ủy quyền này được thực hiện như thế nào? Tại bài viết này, Luật Hợp Nhất sẽ tổng hợp và gửi đến Quý bạn đọc các quy định liên quan đến vấn đề này.
1.Quy định về việc ủy quyền khai nhận di sản thừa kế
Căn cứ Khoản 1, 2 Điều 134 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về đại diện như sau:
“1. Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
2.Cá nhân, pháp nhân có thể xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện. Cá nhân không được để người khác đại diện cho mình nếu pháp luật quy định họ phải tự mình xác lập, thực hiện giao dịch đó.”
Căn cứ Khoản 1 Điều 138 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về đại diện theo ủy quyền như sau:
“1. Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.”
Như vậy, có thể hiểu ủy quyền là việc cá nhân, pháp nhân ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác nhân danh và đại diện cho mình để xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự. Đây là một trong những hình thức và căn cứ xác lập quyền đại diện cho tổ chức, cá nhân khác được quy định tại Điều 135 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Trong ủy quyền thừa kế, chúng ta cần nhìn ở 02 góc độ. Ủy quyền cho người khác để lập/công chứng di chúc và ủy quyền để thực hiện các thủ tục khai nhận di sản thừa kế.
Đối với góc độ ủy quyền cho người khác để lập/yêu cầu công chứng di chúc. Căn cứ Khoản 1 Điều 56 Luật Công chứng năm 2014 quy định “Người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc, không ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc”.
Như vậy, việc lập, yêu cầu công chứng di chúc của người để lại di sản phải tự thực hiện, không được phép ủy quyền cho người khác thực hiện.
Đối với góc độ ủy quyền cho người khác để thực hiện các thủ tục khai nhận di sản thừa thế. Hiện nay, theo quy định pháp luật hiện hành không có quy định hạn chế việc người nhận di sản thừa kế ủy quyền cho người khác để thực hiện các thủ tục để khai nhận di sản thừa kế.
Tuy nhiên, cần phải xác định rõ ràng rằng ủy quyền khai nhận di sản thừa kế là việc cá nhân, tổ chức có quyền hưởng di sản từ người chết để lại ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác đại diện mình thực hiện các thủ tục về khai nhận di sản thừa kế để có thể chuyển giao các di sản thừa kế thuộc quyền sở hữu của người chết sang quyền sở hữu của người ủy quyền chứ không phải để nhận, hưởng, sử dụng di sản thừa kế thay cho người ủy quyền.
Như vậy, trong trường hợp người có quyền hưởng di sản thừa kế vì lý do nào đó mà không thể tự mình thực hiện các thủ tục về khai nhận di sản thừa kế của người chết để lại thì có thể ủy quyền cho một tổ chức, cá nhân khác đại diện thay mình thực hiện các thủ tục này.
2.Thủ tục ủy quyền khai nhận di sản thừa
Thủ tục ủy quyền khai nhận di sản thừa kế thực hiện tương tự như thủ tục khai nhận di sản thừa kế thông thường.
2.1. Công chứng ủy quyền khai nhận di sản thừa kế
Căn cứ tại Điều 55 và Điều 58 Luật Công chứng năm 2014 quy định đối với văn bản khai nhận di sản và hợp đồng ủy quyền khai nhận di sản phải được công chứng.
Theo đó, hợp đồng ủy quyền khai nhận di sản thừa kế là căn cứ xác lập thỏa thuận giữa bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền trong việc tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế.
2.2. Chuẩn bị hồ sơ
Theo quy định tại Điều 58 Luật Công chứng năm 2014, để thực hiện thủ tục ủy quyền khai nhận di sản thừa kế, người yêu cầu công chứng phải chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ sau đây:
- Phiếu yêu cầu công chứng;
- Bản sao di chúc nếu thừa kế theo di chúc hoặc giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng nếu chia thừa kế theo pháp luật;
- (Bản sao) giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết; giấy đăng ký kết hôn của người để lại di sản, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (nếu có)…
- Dự thảo văn bản khai nhận di sản thừa kế (nếu có);
- (Bản sao) giấy tờ nhân thân: chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc hộ chiếu hoặc sổ hộ khẩu, sổ tạm trú… của người khai nhận di sản thừa kế;
- Các giấy tờ về tài sản: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký xe ô tô…
- Hợp đồng ủy quyền khai nhận di sản thừa kế.
2.3 Cơ quan thực hiện công chứng
Sau khi thống nhất, bên ủy quyền thừa kế và bên nhận ủy quyền thừa kế có thể đến bất kỳ tổ chức hành nghề công chứng nào tại nơi cư trú cuối cùng của người có di sản (nơi cư trú cuối cùng có thể là nơi người chết có hộ khẩu thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú có thời hạn của người đã chết) để công chứng hợp đồng ủy quyền khai nhận di sản thừa kế.
Quý bạn đọc có thắc mắc hoặc có nhu cầu cần được tư vấn về vấn đề nêu trên vui lòng liên hệ địa chỉ email: info@hnlaw.com.vn, SĐT: 0972 362 884 của Công ty Luật TNHH Hợp Nhất để được hướng dẫn thêm!
————————-
Người thực hiện: Nguyễn Việt Hà
Tham vấn bởi: CVCC. Tô Thị Nhung
(Bản quyền tác giả và sở hữu chuyên đề thuộc về Công ty Luật TNHH Hợp Nhất)