Thủ tục, trình tự giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh doanh thương mại tại Tòa án

Một trong những hình thức giải quyết tranh chấp thương mại được quy định tại Luật Thương mại năm 2005 là giải quyết tranh chấp tại Tòa án. Vậy thủ tục, trình tự giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh doanh thương mại tại Tòa án như thế nào? Hãy cũng Luật Hợp Nhất tìm hiểu thông qua nội dung bài viết dưới đây.

1. Thời hiệu giải quyết tranh chấp thương mại tại Tòa án

Tại Điều 319 Luật Thương mại năm 2005 có quy định về thời hiệu khởi kiện tranh chấp thương mại tại Tòa án như sau:

“Thời hiệu khởi kiện áp dụng đối với các tranh chấp thương mại là hai năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 237 của Luật này.”

Như vậy, trừ trường hợp sau khi bị khiếu nại, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không nhận được thông báo về việc bị kiện tại Trọng tài hoặc Toà án trong thời hạn chín tháng, kể từ ngày giao hàng, đối với các trường hợp tranh chấp thương mại khác thuộc thẩm quyền giải quyết tại Tòa án, thời hiệu các bên có quyền khởi kiện giải quyết tranh chấp là 02 năm kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm.

2. Trình tự giải quyết tranh chấp thương mại tại Tòa án

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ cần thiết

Người khởi kiện chuẩn bị hồ sơ bao gồm Đơn khởi kiện theo mẫu được Hội đồng thẩm phán ban hành và các giấy tờ, tài liệu chứng minh quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm trong tranh chấp thương mại giữa các bên.

Bước 2: Nộp và tiếp nhận hồ sơ

  • Nơi nộp hồ sơ: Hồ sơ khởi kiện để giải quyết tranh chấp thương mại được nộp tới Tòa án nhân dân quận/huyện nơi người bị kiện là cá nhân cư trú hoặc người bị kiện là tổ chức đặt trụ sở chính.
  • Sau khi tiếp nhận hồ sơ khởi kiện tranh chấp thương mại, Tòa án sẽ kiểm tra đơn khởi kiện, hồ sơ của người khởi kiện và phân công thẩm phán xem xét hồ sơ và giải quyết vụ án. Trường hợp hồ sơ khởi kiện giải quyết tranh chấp thương mại chưa đầy đủ, cần sửa đổi, bổ sung, Tòa án yêu cầu người khởi kiện sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện và hồ sơ, tài liệu trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu và sẽ trả lại đơn yêu cầu, hồ sơ nếu người nộp đơn không sửa đổi, bổ sung hồ sơ đúng thời hạn.
  • Khi người khởi kiện đã nộp đơn khởi kiện và hồ sơ, tài liệu khởi kiện giải quyết tranh chấp thương mại đầy đủ, Tòa án ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí và thụ lý yêu cầu giải quyết vụ án khi đương sự đã nộp tiền tạm ứng án phí và nộp biên lai cho Tòa án.

Bước 3: Thụ lý vụ án và tiến hành hòa giải

  • Sau khi xem xét đơn khởi kiện, hồ sơ, tài liệu được nộp đến đã đáp ứng đủ điều kiện thụ lý, Tòa án thụ lý vụ án và trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý, thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho các đương sự, tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc thụ lý vụ án.
  • Trong thời gian chuẩn bị xét xử vụ án, Tòa án tiến hành tổ chức hòa giải cho các bên để các đương sự thỏa thuận, chủ động giải quyết tranh chấp.

Bước 4: Giải quyết vụ việc sau khi tiến hành hòa giải

  • Trường hợp sau khi tiến hành hòa giải, các bên thống nhất được phương án giải quyết tranh chấp, Tòa án lập biên bản hòa giải thành và quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên sau 07 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có bên nào thay đổi ý kiến.
  • Trường hợp các bên tiến hành hòa giải không thành và vẫn có tranh chấp với nhau, Tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử và thông báo cho các đương sự về việc tham gia phiên tòa xét xử vụ án tranh chấp thương mại.

Quý bạn đọc thắc mắc hoặc có nhu cầu cần được tư vấn về vấn đề nêu trên vui lòng liên hệ địa chỉ email: info@hnlaw.com.vn, SĐT: 0972362884 của Công ty Luật TNHH Hợp Nhất để được hướng dẫn thêm!

————————-  

Người thực hiện: Nguyễn Việt Hà

Tham vấn bởi: CVCC. Tô Thị Nhung

(Bản quyền tác giả và sở hữu chuyên đề thuộc về Công ty Luật TNHH Hợp Nhất)

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *