Như nội dung bài viết Luật Hợp Nhất đã gửi đến Quý bạn đọc liên quan đến thời hiệu khởi kiện và giải quyết tranh chấp về thừa kế tại Tòa án, tại bài viết này Chúng tôi sẽ giúp Quý bạn đọc hiểu rõ hơn về thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế khi có đương sự là người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
1. Khái niệm người Việt Nam định cư ở nước ngoài
Căn cứ khoản 3 Điều 3 Nghị định 138/2006/NĐ-CP quy định:“Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là người có quốc tịch Việt Nam và người gốc Việt Nam đang cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở nước ngoài” và tại khoản 3 Điều 3 Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008 quy định khái niệm: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài”.
2. Thời hiệu khởi hiện yêu cầu chia di sản thừa kế khi có đương sự là người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Căn cứ Điều 68 Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về khái niệm của đương sự. Theo đó, đương sự trong vụ án dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đương sự trong việc dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm người yêu cầu giải quyết việc dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Như vậy, đương sự là người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong việc thừa kế có thể là các đối tượng sau: (1) Người để lại tài sản là người Việt Nam định cư ở nước ngoài; (2) người thừa kế tài sản là người Việt Nam định cư ở nước ngoài; (3) căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ thừa kế là theo pháp luật nước ngoài và tài sản thừa kế ở nước ngoài.
Căn cứ Điều 623 Bộ Luật dân sự năm 2015 quy định về thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế như sau: “Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế...”.
Căn cứ Điều 611 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định về thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày theo xác định của Tòa án tuyên bố.
Như vậy, thời hiệu để người thừa kế có quyền khởi kiện, giải quyết thừa kế là 30 năm đối với bất động sản và 10 năm đối với động sản tính từ ngày người để lại di sản chết (hoặc ngày Tòa án tuyên bố chết).
Đối với thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa việc thừa kế khi có đương sự là người Việt Nam định cư ở nước ngoài pháp luật không có quy định khác biệt về thời hiệu khởi kiện. Tuy nhiên, tại mục I Công văn số 91/TANDTC-KHXX ngày 28/6/2011 của Tòa án nhân dân tối cao về việc áp dụng Nghị quyết số 1037/2006/NQ-BTVQH11 ngày 27/7/2006 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01/7/1991 của người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia. Nội dung Công văn quy định “Khi xác định thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế mà thời điểm mở thừa kế trước ngày 01-7-1991 và di sản là nhà ở thì… thời gian từ ngày 01-7-1996 đến ngày 01-9-2006 không tính vào thời hiệu khởi kiện đối với trường hợp thừa kế có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia.”
Như vậy, đối với thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế khi có đương sự là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, Quý bạn đọc cần lưu ý về thời điểm mở thừa kế và loại di sản có phù hợp với hướng dẫn tại Công văn số 91/TANDTC-KHXX ngày 28/6/2011 hay không để loại bỏ khoảng thời gian pháp luật cho phép không tính vào thời hiệu khởi kiện.
Quý bạn đọc có thắc mắc hoặc có nhu cầu cần được tư vấn về các vấn đề pháp lý có liên quan xin vui lòng liên hệ địa chỉ email: info@hnlaw.com.vn, SĐT: 0972 362 884 của Công ty Luật TNHH Hợp Nhất để được hướng dẫn thêm!
————————-
Phụ trách nội dung: Phan Thị Hiền – CVPLCC Công ty Luật TNHH Hợp Nhất
(Bản quyền tác giả và sở hữu chuyên đề thuộc về Công ty Luật TNHH Hợp Nhất)