Hiện nay nhiều người lao động có thắc mắc khi điều trị bệnh nghề nghiệp trong bao lâu sẽ được bảo hiểm xã hội điều trị bệnh nghề nghiệp do tính cần thiết của việc thanh toán chế độ này. Vậy hãy cùng Luật Hợp Nhất tìm hiểu quy định của pháp luật về vấn đề này thông qua nội dung bài viết dưới đây.
1. Quy định về chi trả bảo hiểm xã hội khi điều trị bệnh nghề nghiệp
1.1. Khái niệm bệnh nghề nghiệp
Khái niệm bệnh nghề nghiệp được quy định và áp dụng theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 như sau:
“Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động.”
Như vậy, bệnh nghề nghiệp là những bệnh lý phát sinh với người lao động do những tác nhân có hại của nghề nghiệp gây ra. Việc mắc bệnh nghề nghiệp khiến sức khỏe của người lao động giảm sút, gây khó khăn trong cuộc sống và quá trình làm việc, lao động của người lao động.
1.2. Đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp
Để được chi trả bảo hiểm xã hội khi điều trị bệnh nghề nghiệp, người lao động phải thuộc một trong các đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 43 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015. Theo đó, các đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm các đối tượng sau:
– Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
– Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
– Cán bộ, công chức, viên chức;
– Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
– Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
– Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;
– Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương.
1.3. Mức hưởng chế độ bảo hiểm xã hội tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Theo quy định tại Điều 48 và 49 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, tùy thuộc vào mức độ suy giảm khả năng lao động mà người lao động mắc bệnh nghề nghiệp có thể được hưởng trợ cấp bảo hiểm bệnh nghề nghiệp một lần hoặc hưởng trợ cấp hàng tháng.
Theo đó, tại khoản 1 Điều 48 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 có quy định người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần. Mức hưởng trợ cấp một lần bảo hiểm bệnh nghề nghiệp do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả được xác định dựa trên mức lương cơ sở và mức độ suy giảm khả năng lao động, được quy định tại khoản 2 Điều 48 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015.
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên được hưởng trợ cấp bảo hiểm bệnh nghề nghiệp hàng tháng, theo quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015. Mức hưởng trợ cấp hàng tháng bảo hiểm bệnh nghề nghiệp do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả cũng được xác định dựa trên mức lương cơ sở và mức độ suy giảm khả năng lao động, theo quy định tại khoản 2 Điều 49 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015.
2. Thời hạn người lao động được bảo hiểm xã hội chi trả khi điều trị bệnh nghề nghiệp
Như đã phân tích ở trên, khi người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi điều trị bệnh nghề nghiệp sẽ được hưởng trợ cấp do Quỹ bảo hiểm xã hội chi trả.
Thời điểm hưởng trợ cấp khi điều trị bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm xã hội được áp dụng theo quy định tại Điều 50 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015:
“1. Thời điểm hưởng trợ cấp quy định tại các điều 48, 49 và 52 của Luật này được tính từ tháng người lao động điều trị ổn định xong, ra viện hoặc từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa trong trường hợp không điều trị nội trú; trường hợp giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động quy định tại khoản 2 Điều 47 của Luật này, thời điểm trợ cấp được tính kể từ tháng người lao động điều trị xong, ra viện của lần điều trị đối với tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau cùng hoặc từ tháng có kết luận giám định tổng hợp của Hội đồng giám định y khoa trong trường hợp không điều trị nội trú.
Trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà sau đó không xác định được thời điểm điều trị ổn định xong, ra viện thì thời điểm hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tính từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa; trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì thời điểm hưởng trợ cấp tính từ tháng người lao động được cấp Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
2. Trường hợp người lao động được đi giám định mức suy giảm khả năng lao động quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 47 của Luật này thì thời điểm hưởng trợ cấp mới được tính từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa.”
Để được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp, người lao động, người sử dụng lao động chuẩn bị hồ sơ theo quy định tại Điều 58 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 và người sử dụng lao động nộp hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp của người lao động đến cơ quan bảo hiểm xã hội. Trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do, theo quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2024.
Quý bạn đọc có thắc mắc hoặc có nhu cầu cần được tư vấn về vấn đề nêu trên vui lòng liên hệ địa chỉ email: info@hnlaw.com.vn, SĐT: 0972362884 của Công ty Luật TNHH Hợp Nhất để được hướng dẫn thêm!
————————-
Người thực hiện: Nguyễn Việt Hà
Tham vấn bởi: CVCC. Tô Thị Nhung
(Bản quyền tác giả và sở hữu chuyên đề thuộc về Công ty Luật TNHH Hợp Nhất)