Mức lương tối thiểu vùng luôn là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm. Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng mới được áp dụng từ ngày 01/7/2024. Bên cạnh những doanh nghiệp tuân thủ nghiêm túc theo quy định của pháp luật hiện hành về mức lương tối thiểu vùng thì vẫn còn có những doanh nghiệp không chấp hành theo quy định, trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Vậy quy định mức lương tối thiểu vùng hiện nay được quy định ra sao và áp dụng những chế tài nào đối với doanh nghiệp trả lương thấp hơn mức tối thiểu vùng, hãy cùng Luật Hợp Nhất tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
1. Quy định về mức lương tối thiểu vùng
Mới đây, ngày 30/6/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2024/NĐ-CP về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng. Cụ thể, mức lương tối thiểu theo các vùng từ 01/7/2024 sẽ tăng bình quân từ 200.000 đồng đến 280.000 đồng so với mức lương tối thiểu vùng được quy định tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP trước đây. Cụ thể:
- Vùng I tăng từ 4,68 triệu đồng/tháng lên 4,96 triệu đồng/tháng (tăng thêm 280 nghìn đồng).
- Vùng II tăng từ 4,16 triệu đồng/tháng lên 4,41 triệu đồng/tháng (tăng 250 nghìn đồng).
- Vùng III tăng từ 3,64 triệu đồng/tháng lên 3,86 triệu đồng/tháng (tăng 220 nghìn đồng).
- Vùng IV tăng từ 3,25 triệu đồng/tháng lên 3,45 triệu đồng/tháng (tăng 200 nghìn đồng).
Mức lương tối thiểu được đổi mới này cao hơn so với mức sống tối thiểu của người lao động đến hết năm 2024, về cơ bản là đảm bảo được mức sống tối thiểu cho người dân lao động.
2. Việc áp dụng địa bàn vùng
Căn cứ theo khoản 3 Điều 3 Nghị định số 74/2024/NĐ-CP việc áp dụng địa bàn vùng được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động như sau:
“a) Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn thuộc vùng nào thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.
b) Người sử dụng lao động có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.
c) Người sử dụng lao động hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.
d) Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên gọi hoặc chia đơn vị hành chính thì tạm thời áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn trước khi thay đổi tên gọi hoặc chia đơn vị hành chính cho đến khi Chính phủ có quy định mới.
đ) Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng mức lương tối thiểu theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.
e) Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn là thành phố trực thuộc tỉnh được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn thuộc vùng IV thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn thành phố trực thuộc tỉnh còn lại tại khoản 3 Phụ lục kèm theo Nghị định này.”
3. Chế tài đối với doanh nghiệp trả lương thấp hơn mức tối thiểu vùng
Căn cứ theo Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 thì tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.
Vì vậy, mức lương thấp nhất mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động phải bằng mức lương tối thiểu vùng mà Chính phủ đã quy định. Tùy theo số lượng người lao động trong doanh nghiệp bị trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng trong doanh nghiệp mà doanh nghiệp có thể bị xử lý tương ứng theo quy định của pháp luật. Căn cứ theo khoản 3 Điều 17 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP, doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền nếu có hành vi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định. Cụ thể như sau:
– Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
– Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
– Từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.
Doanh nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 20 triệu đồng đến 75 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm và từ 40 triệu đồng đến 150 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ buộc phải trả đủ tiền lương và khoản tiền lãi của số tiền trả thiếu cho người lao động.
Quý bạn đọc có thắc mắc hoặc có nhu cầu cần được tư vấn về vấn đề nêu trên vui lòng liên hệ địa chỉ email: info@hnlaw.com.vn, SĐT: 0972362884 của Công ty Luật TNHH Hợp Nhất để được hướng dẫn thêm!
————————-
Người thực hiện: Lã Hiểu Khánh
Tham vấn bởi: NVPL. Nguyễn Việt Hà
(Bản quyền tác giả và sở hữu chuyên đề thuộc về Công ty Luật TNHH Hợp Nhất)