Từ ngày 01/7/2024, trong một số trường hợp công dân bắt buộc phải đổi từ thẻ Căn cước công dân (CCCD) sang thẻ Căn cước. Hãy cùng Luật Hợp Nhất tìm hiểu những trường hợp này thông qua nội dung bài viết dưới đây.
1. Các trường hợp bắt buộc công dân phải đổi sang thẻ Căn cước
Căn cứ theo Điều 23 Luật Căn cước công dân năm 2014, Điều 24 Luật Căn cước năm 2023, quy định công dân bắt buộc phải đổi từ CCCD sang thẻ Căn cước từ ngày 01/7/2024 trong các trường hợp sau:
1.1. Công dân đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi
Trước đây, Luật Căn cước công dân năm 2014 chỉ quy định công dân ở các độ tuổi: 25 tuổi, 40 tuổi, 60 tuổi cần phải đi làm CCCD. Tuy nhiên, bắt đầu từ 01/7/2024, công dân khi đủ 14 tuổi đã được cấp thẻ Căn cước trước đó cũng bắt buộc phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ Căn cước. Riêng với người dưới 14 tuổi thì không bắt buộc làm mà chỉ cấp thẻ Căn cước khi có nhu cầu
1.2. Thay đổi, cải chính thông tin về họ, chữ đệm, tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh
Những thông tin như họ tên, ngày tháng năm sinh là những thông tin nhân thân quan trọng của một công dân. Do đó, khi có sự thay đổi thì việc cập nhật những thông tin trên vào Căn cước là bắt buộc nhằm đảm bảo tính chính xác của dữ liệu cá nhân, tránh những nhầm lẫn và tranh chấp khi thực hiện các giao dịch.
1.3. Thay đổi nhân dạng; bổ sung thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay; xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật
So với Luật Căn cước công dân năm 2014 thì trong Điều 24 Luật Căn cước mới năm 2023, công dân khi chuyển đổi giới tính cũng sẽ cần phải đi đổi lại thẻ Căn cước từ ngày 01/7/2024. Đồng thời, nhận dạng, khuôn mặt, vân tay là một trong các đặc điểm riêng biệt để xác định các cá nhân khác nhau. Do đó, khi thay đổi nhân dạng, khuôn mặt, vân tay hay chuyển đổi giới tính, việc cập nhật những dữ liệu trên là vô cùng quan trọng nhằm dễ dàng cho các cơ quan chức năng xác nhận thông tin khi cần thiết.
1.4.Có sai sót về thông tin in trên thẻ Căn cước
Hiện nay, thẻ Căn cước gồm thông tin nêu tại Điều 18 Luật Căn cước sau đây: Ảnh khuôn mặt; Số định danh cá nhân; Họ, chữ đệm và tên khai sinh; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Nơi đăng ký khai sinh; Quốc tịch; Nơi cư trú. Đây cũng là các thông tin quan trọng để phân biệt cá nhân này với cá nhân khác. Do đó, khi phát hiện bị sai thông tin trên trên thẻ Căn cước, người dân cần phải đến Cơ quan Công an để đổi ngay thẻ mới.
1.5. Xác lập lại số định danh cá nhân
Theo Khoản 3 Điều 12 Luật Căn cước, số định danh cá nhân được sử dụng để thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước. Ngoài ra, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Bộ Công an đã quy định việc công dân được hủy và xác lập lại số định danh cá nhân khi:
- Xác định lại giới tính/cải chính năm sinh;
- Sai sót về thông tin cá nhân như: Năm sinh, giới tính, nơi đăng ký khai sinh;
Do đó, khi xác lập lại số định danh cá nhân, công dân cần phải đi cấp lại thẻ Căn cước để tương ứng với số định danh cá nhân mới.
2. Không đổi sang thẻ Căn cước trong trường hợp phải đổi lại có bị phạt không?
Người dân không thực hiện đổi sang thẻ Căn cước trong trường hợp phải đổi lại, cấp lại tức là không thực hiện đúng quy định về cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP:
“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
b) Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân;”
Như vậy, những ai không đổi thẻ Căn cước công dân sang thẻ Căn cước theo quy định có thể sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 – 500.000 đồng. Do đó, để không bị phạt thì khi thuộc trường hợp phải đổi thì công dân cần đi thực hiện ngay thủ tục cấp đổi thẻ Căn cước.
Quý bạn đọc có thắc mắc hoặc có nhu cầu cần được tư vấn về vấn đề nêu trên vui lòng liên hệ địa chỉ email: info@hnlaw.com.vn, SĐT: 0972362884 của Công ty Luật TNHH Hợp Nhất để được hướng dẫn thêm!
————————-
Người thực hiện: Vũ Thanh Hoan
Tham vấn bởi: Nguyễn Việt Hà
(Bản quyền tác giả và sở hữu chuyên đề thuộc về Công ty Luật TNHH Hợp Nhất)