Những điều cần lưu ý khi quảng cáo sản phẩm thực phẩm

Hiện nay, mọi người đều có thể dễ dàng bắt gặp các quảng cáo các sản phẩm thực phẩm trên nhiều phương tiện quảng cáo khác nhau. Các sản phẩm thực phẩm được quảng cáo cũng như các phương tiện quảng cáo hiện nay đều rất đa dạng và phong phú, vì vậy các cơ quan quản lý nhà nước cũng đặt ra những yêu cầu quản lý khắt khe đối với việc quảng cáo sản phẩm thực phẩm để đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người tiêu dùng. Vậy khi các tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo thực phẩm cần lưu ý những vấn đề gì, hãy cùng Luật Hợp Nhất tìm hiểu quy định của pháp luật về vấn đề này thông qua nội dung bài viết dưới đây.

1. Phạm vi sản phẩm thực phẩm được phép quảng cáo

Theo quy định tại khoản 20 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm năm 2010, thực phẩm được xác định là “sản phẩm mà con người ăn, uống ở dạng tươi sống hoặc đã qua sơ chế, chế biến, bảo quản. Thực phẩm không bao gồm mỹ phẩm, thuốc lá và các chất sử dụng như dược phẩm.”

Các sản phẩm thực phẩm được phép quảng cáo là các sản phẩm thực phẩm không thuộc các trường hợp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bị cấm quảng cáo theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại Điều 7 Luật Quảng cáo năm 2012, các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo bao gồm các loại sau:

“1. Hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật.

2. Thuốc lá.

3. Rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên.

4. Sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo.

5. Thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc.

6. Các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục.

7. Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực.

8. Các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác do Chính phủ quy định khi có phát sinh trên thực tế.”

Như vậy, trong phạm vi các sản phẩm thực phẩm, các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi là sản phẩm bị cấm quảng cáo. Ngoài ra, hành vi quảng cáo thực phẩm sai sự thật, gây nhầm lẫn với người tiêu dùng được quy định tại khoản 11 Điều 5 Luật An toàn thực phẩm năm 2010 là một trong những hành vi bị cấm khi sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm.

2. Các phương tiện quảng cáo và tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo thực phẩm

Theo quy định tại Luật Quảng cáo năm 2012, việc quảng cáo sản phẩm thực phẩm sử dụng các phương tiện quảng cáo và tiếng nói, chữ viết tương tự với việc quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được phép quảng cáo khác và tuân thủ quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Điều 17 Luật Quảng cáo năm 2012, các phương tiện quảng cáo được sử dụng để quảng cáo sản phẩm bao gồm các phương tiện sau:

“1. Báo chí.

2. Trang thông tin điện tử, thiết bị điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác.

3. Các sản phẩm in, bản ghi âm, ghi hình và các thiết bị công nghệ khác.

4. Bảng quảng cáo, băng-rôn, biển hiệu, hộp đèn, màn hình chuyên quảng cáo.

5. Phương tiện giao thông.

6. Hội chợ, hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện, triển lãm, chương trình văn hoá, thể thao.

7. Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; vật thể quảng cáo.

8. Các phương tiện quảng cáo khác theo quy định của pháp luật.”

Việc sử dụng tiếng nói và chữ viết khi quảng cáo sản phẩm thực phẩm được thực hiện theo quy định tại Điều 18 Luật Quảng cáo năm 2012. Theo đó, nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm phải được thể hiện bằng ngôn ngữ tiếng Việt và luôn được ưu tiên thể hiện trước tiếng nước ngoài hoặc tiếng dân tộc thiểu số khi nội dung quảng cáo được thể hiện bằng cả tiếng Việt và ngôn ngữ khác trên cùng một sản phẩm quảng cáo. Trong một số trường hợp được quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điêu 18 Luật Quảng cáo năm 2012, nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm vẫn có thể được thể hiện bằng tiếng nước ngoài hoặc tiếng dân tộc thiểu số mà không bị bắt buộc phải thể hiện bằng tiếng Việt toàn bộ nội dung:

“a) Nhãn hiệu hàng hoá, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hoá không thể thay thế bằng tiếng Việt;

b) Sách, báo, trang thông tin điện tử và các ấn phẩm được phép xuất bản bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài; chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài.”

3. Nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm

Tương tự với việc quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác, nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm cần bảo đảm tính trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo được quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Quảng cáo năm 2012. Ngoài điều kiện chung về nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm nêu trên, đối với một số sản phẩm thực phẩm cụ thể, pháp luật quy định cần phải thực hiện đăng ký quảng cáo và xác nhận nội dung quảng cáo trước khi quảng cáo. Thủ tục xác nhận nội dung quảng cáo trước khi đăng ký quảng cáo và thủ tục đăng ký quảng cáo là các thủ tục bắt buộc phải thực hiện khi tiến hành quảng cáo theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật An toàn thực phẩm năm 2010 đối với các sản phẩm thực phẩm được quy định tại Điều 26 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, bao gồm các sản phẩm thực phẩm sau:

  • Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt.
  • Sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi không thuộc trường hợp cấm quảng cáo quy định tại Điều 7 của Luật quảng cáo.

4. Điều kiện quảng cáo sản phẩm thực phẩm

Tại Điều 20 Luật Quảng cáo năm 2012 có quy định về điều kiện quảng cáo sản phẩm thực phẩm như sau:

“Điều 20. Điều kiện quảng cáo

2. Quảng cáo cho các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải có các tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật.

4. Quảng cáo cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt phải đảm bảo các điều kiện sau đây:

đ) Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải có giấy chứng nhận đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm thuộc danh mục phải đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc giấy tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm thuộc danh mục phải công bố tiêu chuẩn;…”

Như vậy, để quảng cáo sản phẩm thực phẩm, người quảng cáo phải có các tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm theo quy định của pháp luật và các loại giấy tờ được quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 20 Luật Quảng cáo năm 2012 nêu trên.

Quý bạn đọc thắc mắc hoặc có nhu cầu cần được tư vấn về vấn đề nêu trên vui lòng liên hệ địa chỉ email: info@hnlaw.com.vn, SĐT: 0972362884 của Công ty Luật TNHH Hợp Nhất để được hướng dẫn thêm!

————————-  

Người thực hiện: Nguyễn Việt Hà

Tham vấn bởi: CVCC. Tô Thị Nhung

(Bản quyền tác giả và sở hữu chuyên đề thuộc về Công ty Luật TNHH Hợp Nhất)

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *