Trong quá trình lao động, làm việc, người lao động sẽ không tránh khỏi những lúc bị bệnh, ốm đau, thậm chí quá trình điều trị và hồi phục kéo dài khiến người lao động không thể đảm bảo thời gian làm việc cho người sử dụng lao động. Vì vậy cả người lao động và người sử dụng lao động đều quan tâm đến việc nếu người lao động nghỉ việc do ốm đau kéo dài từ 14 ngày trở lên thì có cần thực hiện thủ tục báo giảm bảo hiểm xã hội không? Vậy, tại bài viết này, Luật Hợp Nhất sẽ tổng hợp đến Quý bạn đọc các quy định của pháp luật về vấn đề nêu trên qua bài viết dưới đây:
1. Người lao động nghỉ việc do ốm đau từ 14 ngày trở lên có phải thực hiện thủ tục báo giảm BHXH không?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 85 Luật BHXH năm 2014, người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì người lao động không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Tại khoản 4 Điều 86 Luật BHXH năm 2014 có quy định: người sử dụng lao động không phải đóng BHXH cho người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội trong tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Như vậy, trường hợp người lao động nghỉ việc do ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì cả người lao động và người sử dụng lao động đều không phải đóng BHXH trong tháng đó. Đây là một trong những trường hợp có thay đổi thông tin tham gia bảo hiểm xã hội mà người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản với cơ quan BHXH theo quy định tại khoản 1 Điều 98 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
2. Vậy người sử dụng lao động thực hiện báo giảm lao động trong trường hợp người lao động nghỉ việc do ốm đau từ 14 ngày trở lên như thế nào?
Theo hướng dẫn tại mục 1.3 – Báo tăng, báo giảm, điều chỉnh đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN thuộc thủ tục 1 về đăng ký, điều chỉnh đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT tại Phụ lục kèm theo Quyết định số 896/QĐ-BHXH, trường hợp người sử dụng lao động báo giảm do nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, ngừng việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thực hiện thủ tục theo nội dung hướng dẫn tại thủ tục này.
2.1 Thành phần hồ sơ:
Người sử dụng lao động chuẩn bị 01 bộ hồ sơ bao gồm:
- Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN (Mẫu D02-LT);
- Bảng kê thông tin (Mẫu D01-TS);
- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS)_ trường hợp người lao động chưa có mã số BHXH
2.2 Trình tự thực hiện
- Bước 1: Đơn vị sử dụng lao động lập, nộp hồ sơ gửi cơ quan BHXH
- Bước 2: Cơ quan BHXH tiếp nhận hồ sơ
- Bước 3: Đơn bị nhận kết quả đã giải quyết
2.3 Cách thức thực hiện
Người sử dụng lao động nộp hồ sơ nêu trên tới cơ quan BHXH cấp tỉnh/huyện theo hình thức trực tiếp, trực tuyến hoặc bưu chính để được giải quyết.
2.4 Thời hạn giải quyết
- Không quá 03 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với trường hợp điều chỉnh tăng tiền lương đã đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN;
- Không quá 5 ngày đối với các trường hợp còn lại.
Quý bạn đọc có thắc mặc hoặc có nhu cầu cần được tư vấn về các vấn đề pháp lý có liên quan xin vui lòng liên hệ địa chỉ email: info@hnlaw.com.vn, SĐT: 0972 362 884 của Công ty Luật TNHH Hợp Nhất để được hướng dẫn thêm!
————————-
Phụ trách nội dung: Phan Thị Hiền – CVPLCC Công ty Luật TNHH Hợp Nhất
(Bản quyền tác giả và sở hữu chuyên đề thuộc về Công ty Luật TNHH Hợp Nhất)