Mặc dù trên thực tế, việc làm thêm giờ của người lao động diễn ra rất phổ biến và người lao động chỉ làm thêm giờ khi đồng ý và pháp luật đã có những quy định rõ ràng về số giờ làm thêm để đảm bảo sức khỏe của người lao động, tuy nhiên vẫn còn nhiều người lao động chưa nắm rõ được những quy định của pháp luật về số giờ làm thêm. Vậy những quy định đó được quy định như thế nào, hãy cùng Luật Hợp Nhất tìm hiểu thông qua nội dung bài viết dưới đây.
1.Quy định về số giờ làm thêm tối đa của người lao động
Tại Điều 60 Nghị định 145/2020/NĐ-CP có quy định về giới hạn số giờ làm thêm của người lao động trong một ngày như sau:
“Điều 60. Giới hạn số giờ làm thêm
- Tổng số giờ làm thêm không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày khi làm thêm vào ngày làm việc bình thường, trừ trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này.
- Trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày.
- Trường hợp làm việc không trọn thời gian quy định tại Điều 32 của Bộ luật Lao động thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày.
- Tổng số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong một ngày, khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần.
- Thời giờ quy định tại các khoản 1 Điều 58 Nghị định này được giảm trừ khi tính tổng số giờ làm thêm trong tháng, trong năm để xác định việc tuân thủ quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều 107 của Bộ luật Lao động.”
Như vậy, với đa số công việc hiện nay áp dụng số giờ làm việc trong một ngày là 08 giờ thì người lao động chỉ được làm thêm giờ tối đa đến 04 giờ/ngày. Trường hợp công việc xác định số giờ làm việc theo tuần hoặc người lao động làm việc không trọn thời gian thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày.
Trong những ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hàng tuần, người lao động vẫn có thể làm thêm giờ nếu người lao động đồng ý và số giờ làm thêm tối đa trong những ngày này của mỗi người lao động được xác định là đến 12 giờ/ngày.
Ngoài quy định cụ thể về số giờ làm thêm giờ trong một ngày trong nhiều trường hợp, hiện nay pháp luật Việt Nam cũng đã có quy định về giới hạn số giờ làm thêm tối đa trong một tháng và trong một năm của người lao động. Theo đó, tại điểm (b) và (c) khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định như sau:
“b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 40 giờ trong 01 tháng;
c) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.”
Như vậy, trong một tháng người lao động được làm thêm giờ tối đa 40 giờ và trong một năm người lao động được làm thêm giờ tối đa 200 giờ. Người lao động cần nắm được những quy định này để có thể sắp xếp việc làm thêm giờ hợp lý và đảm bảo sức khỏe của bản thân. Ngoài ra, trong một số trường hợp, người lao động được quyền làm thêm nhiều hơn 200 giờ/năm nhưng không được quá 300 giờ/năm theo quy định tại khoản 3 Điều 107 Bộ luật Lao động năm 2019.
2. Người lao động làm thêm giờ quá số giờ tối đa thì xử lý như thế nào?
Như đã nêu ở trên, pháp luật Việt Nam hiện nay đã có quy định cụ thể và rõ ràng về số giờ làm thêm tối đa của người lao động trong một ngày, trong một tháng và trong một năm. Ngoài ra, pháp luật Việt Nam cũng có quy định người lao động chỉ làm thêm giờ trong trường hợp người lao động đồng ý. Vì vậy, trường hợp người sử dụng lao động sắp xếp và yêu cầu người lao động làm thêm giờ quá giới hạn số giờ làm thêm giờ là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, người sử dụng lao động có thể bị xử lý vi phạm hành chính trong trường hợp huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ quy định với mức phạt được quy định như sau:
“4. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: không đảm bảo cho người lao động nghỉ trong giờ làm việc hoặc nghỉ chuyển ca theo quy định của pháp luật; huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.”
Quý bạn đọc có thắc mắc hoặc có nhu cầu cần được tư vấn về vấn đề nêu trên vui lòng liên hệ địa chỉ email: info@hnlaw.com.vn, SĐT: 0972362884 của Công ty Luật TNHH Hợp Nhất để được hướng dẫn thêm!
————————-
Người thực hiện: Nguyễn Việt Hà
Tham vấn bởi: CVCC. Tô Thị Nhung
(Bản quyền tác giả và sở hữu chuyên đề thuộc về Công ty Luật TNHH Hợp Nhất)