Doanh nghiệp có được giao kết hợp đồng trước khi có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không?

Trong thực tế, có rất nhiều trường hợp hợp đồng, giao dịch được các bên giao kết với nhau khi chưa có Giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp. Vậy việc giao kết hợp đồng trước khi có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có được thực hiện không, tại bài viết dưới đây Luật Hợp Nhất xin được tổng hợp các quy định của pháp luật về vấn đề này gửi tới Quý bạn đọc.

1. Quy định của pháp luật về doanh nghiệp và hợp đồng

Theo khoản 10 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020 có quy định:

“Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.”

Theo khoản 1 Điều 74 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về pháp nhân như sau:

“1. Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;

b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;

c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;

d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.”

Như vậy, theo các quy định trên, doanh nghiệp chính là một loại pháp nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Để có khả năng tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập, doanh nghiệp nói riêng cũng như pháp nhân nói chung cần phải đáp ứng được năng lực pháp luật dân sự theo quy định tại Điều 86 Bộ luật Dân sự năm 2015:

“1. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân là khả năng của pháp nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân không bị hạn chế, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập; nếu pháp nhân phải đăng ký hoạt động thì năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm ghi vào sổ đăng ký.

3. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân chấm dứt kể từ thời điểm chấm dứt pháp nhân.”

Như vậy, đối với doanh nghiệp, năng lực pháp luật dân sự của doanh nghiệp được phát sinh từ thời điểm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập. Việc thành lập doanh nghiệp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ghi nhận thông qua việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Tại Điều 385 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về hợp đồng như sau:

“Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”

Hợp đồng là một loại giao dịch dân sự theo quy định tại Điều 116 Bộ luật Dân sự năm 2015. Để hợp đồng được giao kết một cách hợp pháp và có hiệu lực đầy đủ, các chủ thể giao kết hợp đồng phải đáp ứng điều kiện có năng lực pháp luật phù hợp với hợp đồng được giao kết, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015:

“1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;…”

2. Doanh nghiệp có được giao kết hợp đồng trước khi có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không?

Như đã phân tích ở trên, để một doanh nghiệp có đầy đủ năng lực về mặt pháp lý để thực hiện các hoạt động của mình thì doanh nghiệp phải được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật và một hợp đồng được giao kết có hiệu lực khi chủ thể giao kết hợp đồng có năng lực pháp luật dân sự phù hợp với hợp đồng được xác lập. Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp doanh nghiệp không được giao kết hợp đồng trước khi có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Tại Điều 18 Luật Doanh nghiệp năm 2020 có quy định về hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp:

“Điều 18. Hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp

1. Người thành lập doanh nghiệp được ký hợp đồng phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp trước và trong quá trình đăng ký doanh nghiệp.

2. Trường hợp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp phải tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đã ký kết quy định tại khoản 1 Điều này và các bên phải thực hiện việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, trừ trường hợp trong hợp đồng có thỏa thuận khác.

3. Trường hợp doanh nghiệp không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, người ký kết hợp đồng theo quy định tại khoản 1 Điều này chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng; trường hợp có người khác tham gia thành lập doanh nghiệp thì cùng liên đới chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng đó.”

Như vậy, trường hợp doanh nghiệp chưa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nhưng cần giao kết hợp đồng để thực hiện các công việc phục vụ cho việc thành lập doanh nghiệp thì các hợp đồng đó vẫn được người thành lập doanh nghiệp giao kết và có hiệu lực pháp luật.

Quý bạn đọc thắc mắc hoặc có nhu cầu cần được tư vấn về vấn đề nêu trên vui lòng liên hệ địa chỉ email: info@hnlaw.com.vn, SĐT: 0972362884 của Công ty Luật TNHH Hợp Nhất để được hướng dẫn thêm!

————————-  

Người thực hiện: Nguyễn Việt Hà

Tham vấn bởi: CVCC. Tô Thị Nhung

(Bản quyền tác giả và sở hữu chuyên đề thuộc về Công ty Luật TNHH Hợp Nhất)

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *