Điều kiện để được công nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam

Luật Nhà ở năm 2023 được ban hành và có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2024 đã có sự thay đổi về đối tượng và điều kiện để sở hữu nhà ở hợp pháp tại Việt Nam. Tổ chức, cá nhân cần nắm rõ sự thay đổi này của quy định pháp luật để có thể được công nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Vậy hãy cùng Luật Hợp Nhất tìm hiểu quy định pháp luật về vấn đề này thông qua nội dung bài viết dưới đây.

1. Điều kiện để được công nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo pháp luật quy định

Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Nhà ở năm 2023 thì các tổ chức, cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sở hữu nhà ở thông qua việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi là Giấy chứng nhận) có nội dung ghi nhận quyền sở hữu nhà ở. Để được chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và được ghi nhận trong Giấy chứng nhận, tổ chức, cá nhân sở hữu nhà ở phải đáp ứng được các quy định theo quy định pháp luật.

Như vậy, để được cơ quan nhà nước cấp Giấy chứng nhận thì tổ chức, cá nhân phải có đầy đủ các điều kiện sau:

Thứ nhất, tổ chức hay cá nhân phải thuộc một trong các đối tượng được quyền sở hữu nhà ở đã được quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Nhà ở năm 2023, bao gồm các đối tượng sau:

– Tổ chức, cá nhân trong nước;

– Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch;

– Tổ chức, cá nhân nước ngoài theo quy định tại khoản 1 Điều 17 của Luật Nhà ở năm 2023, bao gồm:

  • Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
  • Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam;
  • Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.

Thứ hai, nhà ở mà tổ chức, cá nhân sở hữu phải là nhà ở hợp pháp được sở hữu theo đúng hình thức phù hợp với từng đối tượng đã được quy định tại khoản 2 Điều 8 luật Nhà ở năm 2023:

– Tổ chức, cá nhân trong nước được sở hữu nhà ở thông qua hình thức đầu tư xây dựng, mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở; nhận nhà ở phục vụ tái định cư theo quy định của pháp luật; hình thức khác theo quy định của pháp luật;

– Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai;

– Tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Nhà ở năm 2023 được sở hữu nhà ở bao gồm cả nhà ở riêng lẻ và căn hộ chung cư thông qua một trong các hình thức như sau:

  • Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được sở hữu nhà ở thông qua việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở tại Việt Nam;
  • Tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở thông qua mua, thuê mua nhà ở thương mại của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở không thuộc khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định tại Điều 16 của Luật này;
  • Tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở thông qua mua, thuê mua nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài đã sở hữu nhà ở.

Thứ ba, nhà ở được ghi nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận phải là nhà ở có sẵn.

Nhà ở có sẵn được định nghĩa theo quy định tại khoản 23 Điều 2 Luật Nhà ở năm 2023 phải là nhà ở đã hoàn thành việc xây dựng, đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng.

2. Các loại giấy tờ chứng minh về đối tượng và điều kiện sở hữu nhà ở

2.1 Giấy tờ chứng minh đối tượng là tổ chức, cá nhân được sở hữu nhà ở tại Việt Nam

Căn cứ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 Nghị định số 95/2024/NĐ-CP, các loại giấy tờ chứng minh đối tượng là tổ chức, cá nhân được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm các loại giấy tờ sau:

– Đối với cá nhân là công dân Việt Nam thì phải có thẻ căn cước hoặc hộ chiếu hoặc các giấy tờ khác có giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam;

– Đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải có hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế theo pháp luật về xuất nhập cảnh và giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch;

– Đối với Cá nhân nước ngoài phải có hộ chiếu nước ngoài và cam kết bằng văn bản về việc không thuộc diện được quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự;

– Đối với tổ chức trong nước phải có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ chứng minh việc thành lập tổ chức do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật;

– Đối với tổ chức nước ngoài thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam thì phải có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;

– Đối với Tổ chức nước ngoài không thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam thì phải có Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép hoạt động hoặc thành lập tại Việt Nam còn hiệu lực tại thời điểm ký kết giao dịch về nhà ở.

2.2. Giấy tờ chứng minh điều kiện được sở hữu nhà ở

Căn cứ theo khoản 3 Điều 3 Nghị định số 95/2024/NĐ-CP, các loại giấy tờ chứng minh điều kiện được sở hữu nhà ở đối với từng đối tượng gồm các loại giấy tờ sau:

Đối với tổ chức, cá nhân trong nước thì phải có Giấy tờ chứng minh có quyền sở hữu nhà ở thông qua một trong các hình đầu tư xây dựng, mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở; nhận nhà ở phục vụ tái định cư theo quy định của pháp luật; hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam phải có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị có đóng dấu nhập cảnh vào Việt Nam tại thời điểm tạo lập nhà ở

– Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài phải có hộ chiếu còn giá trị có đóng dấu nhập cảnh vào Việt Nam hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh vào Việt Nam tại thời điểm ký kết giao dịch về nhà ở

– Cá nhân nước ngoài phải có hộ chiếu còn giá trị có đóng dấu nhập cảnh vào Việt Nam hoặc giấy tờ pháp lý tương đương nhập cảnh vào Việt Nam tại thời điểm ký kết giao dịch về nhà ở quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều 17 của Luật Nhà ở.

Quý bạn đọc thắc mắc hoặc có nhu cầu cần được tư vấn về vấn đề nêu trên vui lòng liên hệ địa chỉ email: info@hnlaw.com.vn, SĐT: 0972362884 của Công ty Luật TNHH Hợp Nhất để được hướng dẫn thêm!

————————-  

Người thực hiện: Phạm Văn Minh

Tham vấn bởi: NVPL. Nguyễn Việt Hà

(Bản quyền tác giả và sở hữu chuyên đề thuộc về Công ty Luật TNHH Hợp Nhất)

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *