Đặt cọc bằng Giấy viết tay có giá trị pháp lý không ?

Đặt cọc là một trong những biện pháp bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ. Trong cuộc sống hằng ngày, việc đặt cọc bằng giấy viết tay diễn ra khá thường xuyên. Vậy giấy đặt cọc viết tay có giá trị pháp lý hay không? Hãy cùng Hợp Nhất Law Firm tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây:

1.Đặt cọc bằng Giấy viết tay có giá trị pháp lý hay không?

Theo quy định tại Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015, đặt cọc là thỏa thuận về việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền/kim khí quý/đá quý/vật có giá trị để bảo đảm thực hiện hoặc giao kết Hợp đồng trong một thời hạn theo thỏa thuận.

Hiện nay, pháp luật không quy định chi tiết về hình thức Hợp đồng đặt cọc. Do đó, các bên hoàn toàn có thể đặt cọc bằng lời nói, bằng hành động hoặc bằng văn bản. Đồng thời, Bộ luật Dân sự cũng không yêu cầu Hợp đồng đặt cọc bắt buộc phải được công chứng hoặc chứng thực.

Do đó, các bên hoàn toàn có quyền đặt cọc bằng giấy viết tay và những thỏa thuận về đặt cọc của các bên phải đáp ứng các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự nói chung tại Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015, bao gồm:

  • Các bên tham gia thỏa thuận trong Hợp đồng đặt cọc có năng lực hành vi dân sự, năng lực pháp luật dân sự phù hợp với thỏa thuận đặt cọc.
  • Các bên đặt cọc, bên nhận đặt cọc hoàn toàn tự nguyện.
  • Mục đích, nội dung của Hợp đồng đặt cọc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2.Giải quyết tranh chấp phát sinh liên quan đến việc đặt cọc bằng Giấy viết tay

Mặc dù pháp luật không cấm Hợp đồng đặt cọc bằng giấy viết tay nên nếu không đạt thành thỏa thuận (một trong hai bên không thực hiện hoặc giao kết Hợp đồng) thì các bên có thể lấy lại tiền đặt cọc theo một trong ba cách là thương lượng, hòa giải hoặc khởi kiện ra Tòa.

Bởi theo khoản 2 Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015, kết quả của Hợp đồng đặt cọc sẽ gồm:

  • Các bên thỏa thuận được việc ký Hợp đồng sau khi đặt cọc: Tài sản dùng để đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc các bên sẽ trừ đi khi thực hiện nghĩa vụ trả tiền.
  • Bên đặt cọc là đối tượng từ chối thực hiện, ký hợp đồng: Bên nhận đặt cọc sẽ được hưởng tài sản đặt cọc.
  • Bên từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng là bên nhận cọc: Bên nhận cọc phải trả cho bên đặt cọc tài sản được dùng để đặt cọc và một khoản tiền tương đương với tài sản đặt cọc.

Lưu ý: Nếu các bên có thỏa thuận khác thì thực hiện theo thỏa thuận đó.

Do đó, các bên có thể thực hiện một trong ba cách để lấy được tài sản đặt cọc dưới đây:

Cách 1: Thương lượng

Các bên thương lượng về việc trả lại tài sản đặt cọc hoặc bồi thường thiệt hại… khi không đạt được mục đích đặt cọc.

Cách 2: Hòa giải

Nếu không thể thương lượng được, các bên có thể yêu cầu một bên thứ ba thực hiện thủ tục hòa giải để đi đến kết quả thỏa thuận được hoặc không.

Cách 3: Khởi kiện

Trong trường hợp các bên không thể thỏa thuận được với nhau, một trong các bên có thể thực hiện thủ tục khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về hợp đồng đặt cọc.

Trong trường hợp đặt cọc bằng giấy viết tay nhưng hình thức, nội dung của giấy viết tay đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật thì vẫn được coi là một trong các bằng chứng để các bên khởi kiện ra Tòa.

Quý bạn đọc thắc mắc hoặc có nhu cầu cần được tư vấn về vấn đề nêu trên vui lòng liên hệ địa chỉ email: info@hnlaw.com.vn, SĐT: 0972362884 của Công ty Luật TNHH Hợp Nhất để được hướng dẫn thêm!

————————-  

Người thực hiện: NVPL. Đặng Thị Ngọc Anh

Tham vấn bởi: CVCC. Phan Thị Hiền

(Bản quyền tác giả và sở hữu chuyên đề thuộc về Công ty Luật TNHH Hợp Nhất)

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *