Công ty cho nhân viên nghỉ luân phiên có phải trả lương không?

Với tình hình kinh tế có phần khó khăn hiện nay, nhiều công ty đã thực hiện cho nhân viên nghỉ luân phiên để đảm bảo nguồn lao động và kinh phí của mình. Nhiều người lao động có thắc mắc về việc công ty cho nhân viên nghỉ luân phiên như vậy có trả lương cho nhân viên hay không. Hãy cùng Luật Hợp Nhất tìm hiểu quy định của pháp luật về vấn đề này thông qua nội dung bài viết dưới đây.

1. Quy định về tiền lương

Theo quy định tại Điều 90 Bộ luật Lao động năm 2019, tiền lương được thực hiện như sau:

“1. Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

2. Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.

3. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.”

Như vậy, khi có sử dụng lao động thì người sử dụng lao động phải trả lương cho người lao động và mức lương phải trả không được thấp hơn mức lương tối thiểu theo quy định của pháp luật.

2. Người lao động được trả lương như thế nào khi công ty cho nghỉ luân phiên?

Hiện nay tại nhiều doanh nghiệp có tình trạng cho người lao động nghỉ luân phiên để duy trì việc làm. Nghỉ luân phiên được hiểu là việc người lao động trong doanh nghiệp phải luân phiên nghỉ tạm thời, không đi làm trong thời gian nghỉ luân phiên. Như vậy, trong thời gian nghỉ luân phiên, người lao động không được làm việc, đồng nghĩa với việc bị dừng việc do yêu cầu từ người sử dụng lao động.

Việc trả lương cho người lao động trong trường hợp bị dừng việc được thực hiện theo quy định tại Điều 99 Bộ luật Lao động năm 2019:

“1. Nếu do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;

2. Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc thì được trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu;

3. Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:

a) Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;

b) Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.”

Như vậy, trong trường hợp người lao động nghỉ luân phiên, bị dừng việc đều được trả lương. Tuy nhiên, tùy theo trường hợp cụ thể mà mức lương được trả cho thời gian ngừng việc có thể bằng mức lương trong hợp đồng lao động hoặc do người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận nhưng phải đảm bảo mức lương cho 14 ngày làm việc đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu được Nhà nước quy định.

Quý bạn đọc thắc mắc hoặc có nhu cầu cần được tư vấn về vấn đề nêu trên vui lòng liên hệ địa chỉ email: info@hnlaw.com.vn, SĐT: 0972362884 của Công ty Luật TNHH Hợp Nhất để được hướng dẫn thêm!

————————-  

Người thực hiện: Nguyễn Việt Hà

Tham vấn bởi: CVCC. Tô Thị Nhung

(Bản quyền tác giả và sở hữu chuyên đề thuộc về Công ty Luật TNHH Hợp Nhất)

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *