Chuyển khoản nhầm có được yêu cầu phong tỏa tài khoản người nhận không?

Hiện nay, cùng với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, việc chuyển tiền cho người khác cũng như thanh toán không dùng tiền mặt thông qua việc chuyển khoản qua các ứng dụng ngân hàng, ví điện tử đang ngày càng trở nên phổ biến, mang đến nhiều tiện ích cho người dùng. Tuy nhiên, hình thức thanh toán này cũng có những bất tiện nhất định như việc chuyển khoản nhầm cho người khác không phải người mình đang giao dịch cùng thì rất bất tiện trong việc chứng minh và nhận lại được tiền. Vậy khi chuyển khoản nhầm tài khoản, người gửi có thể yêu cầu ngân hàng phong tỏa tài khoản của người nhận nhầm để tiến hành nhận lại tiền hay không? Hãy cùng Luật Hợp Nhất tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây: 

1. Quy định về các trường hợp phong tỏa tài khoản

Theo quy định tại khoản 10 Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, phong tỏa tài khoản tại ngân hàng là một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.

Cụ thể, tại Điều 124 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định về phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước như sau:

“Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.”

Như vậy, phong tỏa tài khoản tại ngân hàng là một trong những biện pháp khẩn cấp tạm thời, có tính cưỡng chế nhằm đảm bảo quyền lợi của những người liên quan và tránh làm nghiêm trọng hơn tình trạng thiệt hại.

2. Các trường hợp phong tỏa tài khoản tại ngân hàng

Theo Nghị định 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024 quy định về thanh toán không dùng tiền mặt thay thế cho Nghị định 101/2012/NĐ-CP và Nghị định 80/2016/NĐ-CP, có 04 trường hợp tài khoản thanh toán tại ngân hàng của người dùng có thể bị phong tỏa.

Cụ thể, tài khoản thanh toán bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số dư trên tài khoản thanh toán trong các trường hợp được quy định tại Điều 11 Nghị định 52/2024/NĐ-CP:

  • Thứ nhất, theo thỏa thuận trước giữa chủ tài khoản thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoặc theo yêu cầu của chủ tài khoản. Đây là quy định mới được quy định và bổ sung tại Nghị định số 52/2024/NĐ-CP so với quy định tại các văn bản trước đây.
  • Thứ hai, khi có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
  • Thứ ba, khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót khi ghi có nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng hoặc thực hiện theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền do có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của bên chuyển tiền sau khi ghi có vào tài khoản thanh toán của khách hàng. Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không được vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót.
  • Thứ tư, khi có yêu cầu phong tỏa của một trong các chủ tài khoản thanh toán chung trừ trường hợp có thỏa thuận trước bằng văn bản giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các chủ tài khoản thanh toán chung

Theo quy định mới tại Điều 11 Nghị định 52/2024/NĐ-CP nêu trên, việc phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số tiền trong tài khoản ngân hàng khi có sự việc chuyển nhầm tiền xảy ra chỉ được thực hiện khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của bên chuyển tiền, nghĩa là việc chuyển nhầm này xảy ra do sai sót của ngân hàng thì mới có thể yêu cầu phong tỏa tài khoản.

Vì thế, từ ngày 01/7/2024 người dân chuyển nhầm tiền thì không có quyền yêu cầu ngân hàng thanh toán phong tỏa tài khoản của người nhận. 

Quý bạn đọc thắc mắc hoặc có nhu cầu cần được tư vấn về vấn đề nêu trên vui lòng liên hệ địa chỉ email: info@hnlaw.com.vn, SĐT: 0972362884 của Công ty Luật TNHH Hợp Nhất để được hướng dẫn thêm!

————————-  

Người thực hiện: Nguyễn Việt Hà

Tham vấn bởi: NVPL. Đặng Thị Ngọc Anh 

(Bản quyền tác giả và sở hữu chuyên đề thuộc về Công ty Luật TNHH Hợp Nhất)

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *