Ký giáp ranh là công việc phổ biến thường phải hoàn thành trước khi người sử dụng thực hiện các thủ tục liên quan đến thửa đất. Vậy những trường hợp nào phải ký giáp ranh, hãy cùng Luật Hợp Nhất tìm hiểu thông qua nội dung bài viết dưới đây.
1. Ký giáp ranh là gì?
Hiện nay, trong quy định pháp luật về đất đai không sử dụng thuật ngữ “ký giáp ranh” mà đây là cách nói thông thường trong đời sống để mô tả một cách dễ hiểu công việc cần thực hiện. Có thể hiểu từ cách nói “ký giáp ranh” thì đây là việc những người sử dụng đất liên kề nhau cùng ký xác nhận tại một văn bản về ranh giới, mốc giới giữa những thửa đất liền kề nhau của mình và ghi ý kiến của mỗi người sử dụng đất về ranh giới sử dụng đất này.
Việc ký giáp ranh đất của những cá nhân, hộ gia đình giáp ranh với mảnh đất của người sử dụng đất được thể hiện ở trong bản mô tả ranh giới đất và từ đó có thể chứng minh đất không có tranh chấp giữa người xin cấp giấy chứng nhận và chủ sử dụng của thửa đất liền kề.
Việc xác định ranh giới thửa đất, lập bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất được thực hiện theo quy định tại Điều 11 Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT quy định về bản đồ địa chính của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
2. Các trường hợp phải ký giáp ranh
Theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT thì bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất được lập cho tất cả các thửa đất trừ các trường hợp như sau:
“2.1. Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất được lập theo mẫu quy định tại Phụ lục số 11 kèm theo Thông tư này cho tất cả các thửa đất trừ các trường hợp sau đây:
a) Thửa đất có giấy tờ thỏa thuận hoặc văn bản xác định ranh giới, mốc giới sử dụng đất có bản vẽ thể hiện rõ ranh giới sử dụng đất mà ranh giới hiện trạng của thửa đất không thay đổi so với bản vẽ trên giấy tờ đó;
b) Thửa đất có giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất mà trong giấy tờ đó thể hiện rõ đường ranh giới chung của thửa đất với các thửa đất liền kề và hiện trạng ranh giới của thửa đất không thay đổi so với giấy tờ hiện có;
c) Đối với thửa đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản có bờ thửa hoặc cọc mốc cố định, rõ ràng trên thực địa thì không phải lập Bản mô tả ranh giới, mốc giới sử dụng đất nhưng sau khi có bản đồ thể hiện hiện trạng sử dụng đất phải công bố công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và khu dân cư trong thời gian tối thiểu là 10 ngày liên tục, đồng thời phải thông báo rộng rãi cho người sử dụng đất biết để kiểm tra, đối chiếu; hết thời gian công khai phải lập Biên bản xác nhận việc công khai bản đồ địa chính theo mẫu quy định tại Phụ lục số 14 kèm theo Thông tư này”
Theo quy định nêu trên thì chỉ trừ các trường hợp đã được quy định cụ thể thì người sử dụng đất không phải lập và để những người sử dụng đất liền kề ký lại bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất. Đối với những thửa đất thuộc những trường hợp khác, việc lập bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất cần được thực hiện khi người sử dụng đất thực hiện một số thủ tục cụ thể như:
- Xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất lần đầu;
- Xin cấp lại hoặc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất yêu cầu đo đạc lại diện tích thửa đất;
- Yêu cầu bổ sung hồ sơ giải quyết tranh chấp đất đai giữa hai người sử dụng đất liền kề;
- Đo đạc, cập nhật lại bản đồ địa chính và hồ sơ địa chính;
- Thực hiện kiểm kê đất đai theo chu kỳ.
Quý bạn đọc có thắc mắc hoặc có nhu cầu cần được tư vấn về vấn đề nêu trên vui lòng liên hệ địa chỉ email: info@hnlaw.com.vn, SĐT: 0972362884 của Công ty Luật TNHH Hợp Nhất để được hướng dẫn thêm!
————————-
Người thực hiện: Nguyễn Việt Hà
Tham vấn bởi: NVPL. Đặng Thị Ngọc Anh
(Bản quyền tác giả và sở hữu chuyên đề thuộc về Công ty Luật TNHH Hợp Nhất)