Hiện nay, thực phẩm chức năng là loại sản phẩm đang rất phổ biến trên thị trường. Với vai trò hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể trạng thái thoải mái và nhiều mục đích tăng cường sức khỏe khác nên sản phẩm này được sản xuất và sử dụng với đa dạng loại hình khác nhau. Tuy nhiên, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh loại sản phẩm này cần phải lưu ý các quy định tại Luật An toàn thực phẩm 2010 khi đưa thực phẩm chức năng ra lưu thông lần đầu tiên trên thị trường. Hãy cùng Luật Hợp Nhất tìm hiểu quy định pháp luật về vấn đề này thông qua nội dung bài viết dưới đây.
1.Điều kiện đối với thực phẩm chức năng đưa ra lưu thông lần đầu tiên trên thị trường
Căn cứ khoản 3 Điều 14 Luật An toàn thực phẩm năm 2010 quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm chức năng như sau:
“3. Thực phẩm chức năng lần đầu tiên đưa ra lưu thông trên thị trường phải có báo cáo thử nghiệm hiệu quả về công dụng của sản phẩm”
Theo đó, đối với các thực phẩm chức năng lần đầu tiên được đưa ra lưu thông trên thị trường thì phải đáp ứng điều kiện đó là phải có báo cáo thử nghiệm hiệu quả về công dụng của thực phẩm. Bên cạnh điều kiện riêng cho lần đầu lưu thông trên thị trường nêu trên, thực phẩm chức năng lần đầu được đưa vào lưu thông trên thị trường cũng cần đảm bảo các điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm chức năng khác được quy định tại Điều 14 Luật An toàn thực phẩm năm 2010.
2. Báo cáo thử nghiệm hiệu quả về công dụng của thực phẩm chức năng
Yêu cầu báo cáo thử nghiệm hiểu quả về công dụng của thực phẩm chức năng được quy định tại Điều 4 Thông tư số 43/2014/TT-BYT chi tiết như sau:
Thứ nhất, các loại sản phẩm phải thử nghiệm hiệu quả về công dụng đối với sức khoẻ con người, bao gồm:
- Sản phẩm công bố khuyến cáo có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh;
- Sản phẩm công bố công dụng mới chưa được công nhận tại các quốc gia khác trên thế giới;
- Sản phẩm có chứa hoạt chất mới chưa được cho phép sử dụng;
- Sản phẩm bảo vệ sức khỏe có công thức khác với sản phẩm đã có bằng chứng khoa học chứng minh, lần đầu tiên đưa ra lưu thông trên thị trường;
- Sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật, động vật lần đầu tiên đưa ra thị trường có thành phần cấu tạo khác với thành phần cấu tạo của các sản phẩm y học cổ truyền cổ phương, cổ phương gia giảm đã được đăng tải trên các tạp chí khoa học;
- Thực phẩm dinh dưỡng y học và thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt chưa được cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan được ủy quyền hoặc pháp luật của nước xuất xứ cho phép, nước xuất khẩu xác nhận về công dụng, đối tượng sử dụng và cách dùng được phép ghi trên nhãn hàng hóa.
Thứ hai, việc thử nghiệm hiệu quả về công dụng đối với sức khỏe con người phải được thực hiện tại các tổ chức có chức năng nghiên cứu khoa học về y học. Riêng đối với sản phẩm công bố khuyến cáo có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh phải được thực hiện tại các bệnh viện có chức năng nghiên cứu khoa học từ tuyến tỉnh trở lên.
Thứ ba, trong trường hợp đánh giá thử nghiệm hiệu quả về công dụng đối với sức khỏe con người được thực hiện tại nước ngoài, việc thử nghiệm phải được thực hiện ở đơn vị được cơ quan thẩm quyền nước sở tại thừa nhận, công nhận hoặc kết quả thử nghiệm được đăng tải trên các tạp chí khoa học.
Thứ tư, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thành lập Hội đồng khoa học gồm các chuyên gia thuộc lĩnh vực phù hợp để tham gia thẩm định báo cáo thử nghiệm hiệu quả về công dụng sản phẩm và các bằng chứng khoa học được công bố.
Tổ chức và hoạt động của Hội đồng khoa học được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Như vậy, đối với thực phẩm chức năng lần đầu được đưa ra lưu thông trên thị trường ngoài việc đảm bảo các điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm chức năng khác được quy định tại Điều 14 Luật An toàn thực phẩm năm 2010 thì cần phải đảm bảo điều kiện có báo cáo thử nghiệm hiệu quả về công dụng và báo cáo phải được thực hiện đúng theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 43/2014/TT-BYT.
Quý bạn đọc có thắc mắc hoặc có nhu cầu cần được tư vấn về vấn đề nêu trên vui lòng liên hệ địa chỉ email: info@hnlaw.com.vn, SĐT: 0972362884 (090 415 1270) của Công ty Luật TNHH Hợp Nhất để được hướng dẫn thêm!
————————-
Người thực hiện: Phạm Văn Minh
Tham vấn bởi: NVPL. Nguyễn Việt Hà
(Bản quyền tác giả và sở hữu chuyên đề thuộc về Công ty Luật TNHH Hợp Nhất)