Những trường hợp bị khóa tài khoản thanh toán từ ngày 01/01/2025

Từ ngày 01/01/2025, nếu các tài khoản có thông tin giấy tờ tùy thân không khớp với thông tin mở tài khoản ngân hàng hoặc không thực hiện xác thực sinh trắc học ngân hàng thì sẽ bị khoá tài khoản thanh toán. Vậy quy định này cụ thể như thế nào? Hãy cùng Luật Hợp Nhất tìm hiểu qthông qua nội dung bài viết dưới đây.

1. Quy định về những trường hợp bị khóa tài khoản ngân hàng

Theo điểm h khoản 1 Điều 13 Thông tư số 17/2024/TT-NHNN quy định, các trường hợp đóng tài khoản thanh toán và xử lý số dư còn lại khi đóng tài khoản thanh toán gồm có:

  • Trường hợp phát hiện khách hàng sử dụng giấy tờ giả, mạo danh để mở hoặc sử dụng tài khoản thanh toán cho mục đích lừa đảo, gian lận hoặc các hoạt động bất hợp pháp khác;
  • Trường hợp tài khoản không duy trì đủ số dư và không phát sinh giao dịch trong khoảng thời gian nhất định theo quy định của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
  • Các trường hợp khác phù hợp quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 12 Nghị định số 52/2024/NĐ-CP cũng có quy định về các trường hợp đóng tài khoản thanh toán như sau:

  • Chủ tài khoản thanh toán có yêu cầu và đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến tài khoản thanh toán;
  • Chủ tài khoản thanh toán là cá nhân đã chết hoặc bị tuyên bố đã chết;
  • Tổ chức có tài khoản thanh toán chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật;
  • Chủ tài khoản thanh toán vi phạm hành vi bị cấm về tài khoản thanh toán quy định tại khoản 5 và khoản 8 Điều 8 Nghị định số 52/2024/NĐ-CP.
  • Các trường hợp chủ tài khoản thành toán vi phạm hành vi bị cấm về tài khoản thanh toán quy định tại khoản 5 và khoản 8 Điều 8 Nghị định số 52/2024/NĐ-CP bao gồm các trường hợp như sau:
  • Mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán, ví điện tử nặc danh, mạo danh; mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, ví điện tử; thuê, cho thuê, mua, bán, mở hộ thẻ ngân hàng (trừ trường hợp thẻ trả trước vô danh); lấy cắp, thông đồng để lấy cắp, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán, thông tin thẻ ngân hàng, thông tin ví điện tử.
  • Thực hiện, tổ chức thực hiện hoặc tạo điều kiện thực hiện các hành vi: sử dụng, lợi dụng tài khoản thanh toán, phương tiện thanh toán, dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán để đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gian lận, lừa đảo, kinh doanh trái pháp luật và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.
  • Các trường hợp theo thỏa thuận trước bằng văn bản giữa chủ tài khoản thanh toán với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán;
  • Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Vậy nên, nếu thuộc vào một trong các trường hợp nêu trên, tài khoản thanh toán của khách hàng có thể thể bị đóng hoặc bị khoá lại.

2. Những trường hợp bị khóa tài khoản, dừng giao dịch từ ngày 01/01/2025

Với những quy định pháp luật đã được nêu trên, có thể thấy các trường hợp có thể bị khóa tài khoản, dừng giao dịch ngày càng được quy định chặt chẽ. Để đảm bảo an toàn cho người dân khi tiến hành giao dịch thông qua tài khoản ngân hàng, từ ngày 01/01/2025, các ngân hàng đẩy mạnh tiến hành việc kiểm tra thông tin của khách hàng sử dụng tài khoản, giao dịch tại ngân hàng.

Căn cứ theo quy định tại Thông tư 17/2024/TT-NHNN và Thông tư 18/2024/TT-NHNN, từ ngày 01/01/2025 khách hàng phải hoàn thành việc kiểm tra đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân, đồng thời phải cập nhật thông tin sinh trắc học với ngân hàng thì mới thực hiện được các giao dịch thanh toán bằng phương thức điện tử, cụ thể như sau:

Theo điểm c, khoản 5 Điều 17 Thông tư 17/2024/TT-NHNN quy định: “Chỉ được thực hiện rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử trên tài khoản thanh toán khi đã hoàn thành việc đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản hoặc người đại diện (đối với khách hàng cá nhân) hoặc người đại diện hợp pháp (đối với khách hàng tổ chức)

Bên cạnh đó tại khoản 6 Điều 16 Thông tư 18/2024/TT-NHNN quy định: “Thẻ chỉ được sử dụng để thực hiện giao dịch thẻ bằng phương tiện điện tử khi đã hoàn thành việc đối chiếu đảm bảo khớp đúng giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học của chủ thẻ”.

Như vậy, thông tin giấy tờ tùy thân mà người dân đã sử dụng để đăng ký dịch vụ tại ngân hàng cần đảm bảo thống nhất, thể hiện đúng thông tin sinh trắc học của người sử dụng. Trong trường hợp người dùng không có thay đổi gì về giấy tờ tuỳ thân thì chỉ cần thực hiện việc đối chiếu cho khớp với thông tin mở tài khoản, và thực hiện xác thực sinh trắc học.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 21, Điều 24 và khoản 2 Điều 46 Luật Căn cước năm 2023, tất cả Chứng minh nhân dân kể cả còn thời hạn đều sẽ hết hiệu lực kể từ ngày 01/01/2025, bên cạnh đó còn có một số trường hợp phải đổi lại thẻ Căn cước công dân từ ngày 01/01/2025 như là khi đến tuổi, thẻ bị mất hay bị hư hỏng,…

Đối với những trường hợp này, công dân phải có nghĩa vụ làm thủ tục cấp đổi thẻ căn cước và đồng thời cập nhật thông tin mới ngay với ngân hàng. Nếu không cập nhật, việc thông tin tài khoản ngân hàng có thể bị sai lệch với thông tin mà cá nhân của người dùng sau khi làm lại căn cước. Như vậy, tài khoản sẽ bị tạm dừng tất cả các giao dịch thanh toán thông qua hình thức trực tuyến và giao dịch bằng thẻ bằng phương tiện điện tử như: chuyển khoản, thanh toán bằng thẻ/bằng tài khoản điện tử, rút tiền bằng mã QR,…

Vì vậy, từ 01/01/2025, khách hàng cần lưu ý sẽ bị tạm khóa tài khoản thanh toán, dừng giao dịch, rút tiền ngân hàng bằng phương thức điện tử nếu:

– Không cập nhật thông tin giấy tờ tùy thân khớp với thông tin mở tài khoản ngân hàng. 

– Không thực hiện xác thực sinh trắc học ngân hàng.

Quý bạn đọc thắc mắc hoặc có nhu cầu cần được tư vấn về vấn đề nêu trên vui lòng liên hệ địa chỉ email: info@hnlaw.com.vn, SĐT: 0972362884 của Công ty Luật TNHH Hợp Nhất để được hướng dẫn thêm!

————————-  

Người thực hiện: Phạm Văn Minh

Tham vấn bởi: NVPL. Nguyễn Việt Hà

(Bản quyền tác giả và sở hữu chuyên đề thuộc về Công ty Luật TNHH Hợp Nhất)

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *