Trong đời sống hàng ngày, nhiều giao dịch dân sự được xác lập bằng lời nói như vay tiền, mượn tài sản hoặc thậm chí thuê nhà, thuê xe… mà khôngđược ghi nhận bằng văn bản. Vậy giao dịch dân sự bằng lời nói có giá trị pháp lý hay không? Hãy cùng Luật Hợp Nhất tìm hiểu thông qua nội dung bài viết dưới đây.
1. Giá trị pháp lý của giao dịch dân sự bằng lời nói
Theo quy định tại Điều 116 Bộ luật Dân sự năm 2015, giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Như vậy có thể hiểu giao dịch dân sự là các hành vi pháp lý làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự, hành vi đó có thể được thực hiện theo sự thỏa thuận, thống nhất của các bên, trường hợp này giao dịch dân sự được xác lập là một hợp đồng dân sự, theo quy định tại Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015. Ngược lại, trường hợp hành vi chỉ có sự thể hiện ý chí của một bên làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự như lập di chúc, hứa thưởng… là hành vi pháp lý đơn phương của bên đó và hành vi đó vẫn được coi là một giao dịch dân sự.
Tại khoản 1 Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về các hình thức của giao dịch dân sự như sau:
“Điều 119. Hình thức giao dịch dân sự
1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể…”
Theo quy định nêu trên, lời nói cũng là một hình thức thể hiện hợp pháp của giao dịch dân sự. Tuy nhiên, để giao dịch bằng lời nói có hiệu lực và hợp pháp thì giao dịch đó phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015::
“1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.”
Tuy nhiên, trong một số trường hợp pháp luật có quy định giao dịch dân sự buộc phải được thể hiện theo hình thức đã được quy định thì mới có giá trị pháp lý. Ví dụ trong trường hợp các bên thực hiện hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất thì buộc phải lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực, như vậy lời nói của bên tặng cho thể hiện đồng ý tặng cho không có giá trị xác lập giao dịch tặng cho quyền sử dụng đất.
Như vậy, giao dịch dân sự bằng lời nói sẽ có giá trị pháp lý khi người thể hiện ý chí xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự đó có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch, hoàn toàn tự nguyện thể hiện ý chí của mình thông qua lời nói đó và nội dung không vi phạm điều cấm của luật hay trái với đạo đức xã hội. Trường hợp giao dịch dân sự bằng lời nói không có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 117 như đã nêu trên thì giao dịch đó được xem là giao dịch dân sự vô hiệu và các bên phải chịu hậu quả pháp lý tương ứng theo quy định của pháp luật.
2. Giao dịch dân sự bằng lời nói có rủi ro thế nào?
Việc xác lập và thực hiện giao dịch dân sự bằng lời nói đã tồn tại lâu đời và phổ biến trong đời sống xã hội với những ưu điểm và tiện lợi của mình. Tuy nhiên, giao dịch dân sự bằng lời nói vẫn tiềm ẩn một số rủi ro mà các bên trong quá trình giao dịch có thể gặp phải:
Thứ nhất: nội dung giao dịch có thể không được các bên trao đổi và ghi nhận đầy đủ. Do việc xác lập giao dịch dân sự bằng lời nói thường chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, cùng với việc cách sử dụng từ ngữ của từng người có sự khác biệt có thể có nhiều cách diễn đạt và cách hiểu khác nhau về cùng một câu nói, vì vậy các bên trong giao dịch có thể chưa lường trước được hết và đưa ra được đầy đủ các nội dung cần thiết của giao dịch dân sự được xác lập, từ đó có thể gây khó khăn hoặc nhầm lẫn cho các bên trong việc xác định phạm vi quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong giao dịch.
Thứ hai, không có căn cứ để đánh giá, giải quyết trong trường hợp có tranh chấp xảy ra. Thông thường giao dịch dân sự bằng lời nói chỉ được xác lập và thực hiện khi các bên trong giao dịch có sự tin tưởng và đồng thuận với nhau, vì vậy các nội dung của giao dịch được các bên thực hiện dựa trên sự tự giác của mỗi bên. Vì vậy, trường hợp có tranh chấp xảy ra thì các bên rất khó để có tài liệu, giấy tờ ghi nhận nội dung giao dịch đã được xác lập để làm căn cứ giải quyết tranh chấp.
Quý bạn đọc có thắc mắc hoặc có nhu cầu cần được tư vấn về vấn đề nêu trên vui lòng liên hệ địa chỉ email: info@hnlaw.com.vn, SĐT: 0972362884 của Công ty Luật TNHH Hợp Nhất để được hướng dẫn thêm!
————————-
Người thực hiện: Nguyễn Việt Hà
Tham vấn bởi: NVPL. Đặng Thị Ngọc Anh
(Bản quyền tác giả và sở hữu chuyên đề thuộc về Công ty Luật TNHH Hợp Nhất)