Các quảng cáo về các sản phẩm thực phẩm hiện nay được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng và xuất hiện ở nhiều nơi trong cuộc sống, đặt ra yêu cầu đối với cơ quan có thẩm quyền về việc quản lý nội dung của các sản phẩm quảng cáo này để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và trật tự xã hội. Vì vậy, thủ tục đăng ký nội dung quảng cáo đối với sản phẩm thực phẩm đã được pháp luật quy định cụ thể. Luật Hợp Nhất xin được tổng hợp các quy định pháp luật về thủ tục đăng ký nội dung quảng cáo đối với sản phẩm thực phẩm gửi tới Quý bạn đọc.
1. Phạm vi các sản phẩm thực phẩm phải đăng ký nội dung quảng cáo
Hiện nay, pháp luật có quy định một số loại thực phẩm trước khi thực hiện quảng cáo phải thực hiện đăng ký nội dung quảng cáo. Tại Điều 26 Nghị định 15/2018/NĐ-CP có quy định các loại thực phẩm phải đăng ký nội dung trước khi quảng cáo như sau:
“Điều 26. Các thực phẩm phải đăng ký nội dung trước khi quảng cáo
- Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt.
- Sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi không thuộc trường hợp cấm quảng cáo quy định tại Điều 7 của Luật quảng cáo.”
Như vậy, thủ tục đăng ký nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm không áp dụng cho tất cả các sản phẩm thực phẩm mà chỉ áp dụng cho một số loại thưc phẩm sau đây:
– Thực phẩm bảo vệ sức khỏe: là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe được trình bày ở dạng chế biến như viên nang, viên hoàn, viên nén, chế phẩm dạng cốm, bột, lỏng và các dạng bào chế khác và được phân liều (để sử dụng) thành các đơn vị liều nhỏ.
– Thực phẩm dinh dưỡng y học: là loại thực phẩm có thể ăn bằng đường miệng hoặc bằng ống xông, được chỉ định để điều chỉnh chế độ ăn của người bệnh và chỉ được sử dụng dưới sự giám sát của nhân viên y tế.
– Thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt: là loại thực phẩm dùng cho người ăn kiêng, người già và các đối tượng đặc biệt khác theo quy định của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (CODEX). Đây là những thực phẩm được chế biến hoặc được phối trộn theo công thức đặc biệt nhằm đáp ứng các yêu cầu về chế độ ăn đặc thù theo thể trạng hoặc theo tình trạng bệnh lý và các rối loạn cụ thể của người sử dụng. Thành phần của thực phẩm này phải khác biệt rõ rệt với thành phần của những thực phẩm thông thường cùng bản chất, nếu có.
– Sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng: bao gồm các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ từ 24 tháng tuổi đến dưới 36 tháng tuổi được sản xuất theo phương thức công nghiệp, bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định, phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng theo từng giai đoạn phát triển hay tình trạng sinh lý đặc biệt của trẻ.
Các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi là một trong những sản phẩm, hàng hóa cấm quảng cáo theo quy định tại Điều 7 Luật Quảng cáo năm 2012 nên thủ tục đăng ký nội dung quảng cáo cũng không được đặt ra yêu cầu áp dụng đối với các sản phẩm này.
Việc quảng cáo các sản phẩm thực phẩm phải tuân theo quy định pháp luật về an toàn thực phẩm và quy định pháp luật về quảng cáo.
2. Trình tự thủ tục đăng ký nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm
Theo quy định tại khoản 6 Điều 27 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân có sản phẩm quảng cáo; tổ chức, cá nhân phát hành quảng cáo chỉ được tiến hành quảng cáo sản phẩm thực phẩm đã được cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo và chỉ được quảng cáo phù hợp với nội dung đã được xác nhận. Vì vậy, thủ tục đăng ký nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm phải được thực hiện đúng đăng và kịp thời.
Thủ tục đăng ký nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm được thực hiện theo trình tự như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm
– Tổ chức, cá nhân có sản phẩm quảng cáo chuẩn bị hồ sơ đăng ký nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.
– Nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm phải đảm bảo các điều kiện sau:
+ Nội dung quảng cáo phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.
+ Nội dung quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải có khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” được viết rõ ràng bằng màu tương phản với màu nền và nội dung khuyến cáo này phải được đọc rõ khi thực hiện quảng cáo trên báo nói, báo hình có thời lượng từ 15 giây trở lên; trường hợp thời lượng ngắn hơn 15 giây thì không phải đọc khuyến cáo nhưng nội dung khuyến cáo phải được thể hiện trong quảng cáo.
Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm
– Cơ quan tiếp nhận hồ sơ: Cơ quan cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm cho sản phẩm thực phẩm được quảng cáo.
– Hình thức nộp hồ sơ: Tùy theo cơ quan tiếp nhận hồ sơ mà hồ sơ có thể được nộp qua dịch vụ bưu chính công ích đến cơ quan có thẩm quyền hoặc hình thức trực tuyến trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến.
Bước 3: Giải quyết hồ sơ và trả kết quả
– Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm xem xét hồ sơ và trả kết quả cho người nộp hồ sơ. Thời hạn này được tính từ ngày đóng dấu đến của cơ quan tiếp nhận hồ sơ nếu hồ sơ được gửi qua đường bưu điện hoặc ngày hồ sơ hoàn chỉnh được tiếp nhận trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến.
– Trong trường hợp không đồng ý với nội dung quảng cáo của tổ chức, cá nhân hoặc yêu cầu sửa đổi, bổ sung, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải có văn bản nêu rõ lý do và căn cứ pháp lý của việc yêu cầu. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ chỉ được yêu cầu sửa đổi, bổ sung 01 lần. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ sửa đổi, bổ sung, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thẩm định hồ sơ và có văn bản trả lời. Sau 90 ngày làm việc kể từ khi có công văn yêu cầu sửa đổi, bổ sung nếu tổ chức, cá nhân không sửa đổi, bổ sung thì hồ sơ không còn giá trị.
– Trường hợp nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm được chấp thuận, cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo có trách nhiệm thông báo công khai tên, sản phẩm của tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm trên trang thông tin điện tử (website) của mình và cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm.
Quý bạn đọc có thắc mắc hoặc có nhu cầu cần được tư vấn về vấn đề nêu trên vui lòng liên hệ địa chỉ email: info@hnlaw.com.vn, SĐT: 0972362884 của Công ty Luật TNHH Hợp Nhất để được hướng dẫn thêm!
————————-
Người thực hiện: Nguyễn Việt Hà
Tham vấn bởi: CVCC. Tô Thị Nhung
(Bản quyền tác giả và sở hữu chuyên đề thuộc về Công ty Luật TNHH Hợp Nhất)