Các trường hợp hạn chế cấp tín dụng từ ngày 01/7/2024

Từ ngày 01/7/2024 thì các trường hợp nào bị hạn chế cấp tín dụng? Hãy cùng Hợp Nhất Law Firm tìm hiểu thông qua nội dung bài viết dưới đây:  

1. Thế nào là cấp tín dụng?

Theo khoản 4 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 quy định “Cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng, thư tín dụng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác”.

2. Các trường hợp hạn chế cấp tín dụng từ ngày 01/7/2024

Theo Điều 135 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 quy định về hạn chế cấp tín dụng từ ngày 01/7/2024 như sau:

(1)    Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng không có bảo đảm, cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho tổ chức, cá nhân sau đây:

(i)     Tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên đang kiểm toán tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó; người ra quyết định thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, người giám sát hoạt động đoàn thanh tra đang thanh tra tại chính tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó;

(ii)    Kế toán trưởng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó; Chủ tịch, thành viên khác của Hội đồng quản trị, Trưởng ban, thành viên khác của Ban kiểm soát, Giám đốc, Phó giám đốc của quỹ tín dụng nhân dân đó;

(iii)   Cổ đông lớn, cổ đông sáng lập của tổ chức tín dụng đó;

(iv)   Doanh nghiệp có một trong những đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 134 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 sở hữu trên 10% vốn điều lệ của doanh nghiệp đó;

(v)    Người thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó, trừ trường hợp cấp tín dụng dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng cho cá nhân;

(vi)   Công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng đó, trừ trường hợp cấp tín dụng cho công ty con là tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc.

(2)    Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với các đối tượng quy định tại các điểm (i), (ii), (iii) (iv), (v) khoản (1) không được vượt quá 05% vốn tự có của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

(3)    Việc cấp tín dụng đối với đối tượng quy định tại khoản (1) phải được Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng thông qua, trừ việc cấp tín dụng đối với đối tượng quy định tại điểm (v) khoản (1)  thực hiện theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Việc cấp tín dụng phải được công khai trong tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

(4)    Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một đối tượng quy định tại điểm (vi) khoản (1) không được vượt quá 10% vốn tự có của tổ chức tín dụng; đối với tất cả các đối tượng quy định tại điểm (vi) khoản (1) không được vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng.

(5)    Tổng mức dư nợ cấp tín dụng quy định tại khoản (2) bao gồm cả tổng mức mua, nắm giữ, đầu tư vào trái phiếu do các đối tượng quy định tại các điểm (i), (iii) và (iv) khoản (1) phát hành; tổng mức dư nợ cấp tín dụng quy định tại khoản (4) bao gồm cả tổng mức mua, nắm giữ, đầu tư vào trái phiếu do các đối tượng quy định tại điểm (v) khoản (1) phát hành.

3. Tỷ lệ bảo đảm an toàn của các tổ chức tín dụng được quy định thế nào?

Theo Điều 138 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 quy định tỷ lệ bảo đảm an toàn như sau:

  • Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải duy trì các tỷ lệ bảo đảm an toàn sau đây:
  • Tỷ lệ khả năng chi trả;
  • Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 08% hoặc tỷ lệ cao hơn theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ;
  • Trạng thái ngoại tệ, vàng tối đa so với vốn tự có;
  • Tỷ lệ mua, nắm giữ, đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh;
  • Tỷ lệ bảo đảm an toàn khác.
  • Ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tham gia hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc gia phải ký quỹ tiền tại Ngân hàng Nhà nước, nắm giữ số lượng tối thiểu giấy tờ có giá được phép cầm cố theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ.
  • Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định đối với từng loại hình tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
  • Tổng số vốn của một tổ chức tín dụng đầu tư vào tổ chức tín dụng khác, công ty con của tổ chức tín dụng dưới hình thức góp vốn, mua cổ phần và khoản đầu tư dưới hình thức góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán không được tính vào vốn tự có khi tính tỷ lệ bảo đảm an toàn.

Quý bạn đọc thắc mắc hoặc có nhu cầu cần được tư vấn về vấn đề nêu trên vui lòng liên hệ địa chỉ email: info@hnlaw.com.vn, SĐT: 0972 362 884 của Công ty Luật TNHH Hợp Nhất để được hướng dẫn thêm!

————————-  

Người thực hiện: CV. Tô Thị Nhung

Tham vấn bởi: CV. Đặng Thị Ngọc Anh

(Bản quyền tác giả và sở hữu chuyên đề thuộc về Công ty Luật TNHH Hợp Nhất)

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *