Bảo hiểm xe máy thường được nhắc đến là một loại giấy tờ cần thiết khi tham gia giao thông bằng xe máy. Nhiều người có thắc mắc nếu không có, không mang bảo hiểm xe máy đi đường có bị phạt hay không. Hãy cùng Luật Hợp Nhất tìm hiểu quy định của pháp luật về vấn đề này thông qua nội dung bài viết dưới đây.
1. Bảo hiểm xe máy là gì?
Bảo hiểm xe máy là tên thường được mọi người sử dụng để gọi bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Phạm vi bảo hiểm được quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 67/2023/NĐ-CP:
“1. Phạm vi bảo hiểm
Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường cho những thiệt hại sau:
a) Thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khỏe, tính mạng và tài sản đối với người thứ ba do xe cơ giới tham gia giao thông, hoạt động gây ra.
b) Thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của hành khách trên chiếc xe đó do xe cơ giới tham gia giao thông, hoạt động gây ra.”
Khi tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, người tham gia bảo hiểm sẽ được cấp giấy chứng nhận bảo hiểm và giấy chứng nhận này thường là loại giấy tờ mà mọi người tham gia giao thông bằng xe cơ giới cần mang theo. Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới được quy định tại Điều 10 Nghị định số 67/2023/NĐ-CP:
“1. Khi mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, chủ xe cơ giới được doanh nghiệp bảo hiểm cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm. Mỗi xe cơ giới được cấp 1 Giấy chứng nhận bảo hiểm. Chủ xe cơ giới bị mất Giấy chứng nhận bảo hiểm phải có văn bản đề nghị doanh nghiệp bảo hiểm cấp lại Giấy chứng nhận bảo hiểm.
2. Giấy chứng nhận bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm chủ động thiết kế và phải bao gồm các nội dung sau đây:
a) Tên, địa chỉ, số điện thoại (nếu có) của chủ xe cơ giới.
b) Biển số xe và số khung, số máy.
c) Loại xe, trọng tải, số chỗ, mục đích sử dụng đối với xe ô tô.
d) Tên, địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng của doanh nghiệp bảo hiểm.
đ) Giới hạn trách nhiệm bảo hiểm đối với người thứ ba.
e) Trách nhiệm của chủ xe cơ giới, người lái xe khi xảy ra tai nạn.
g) Thời hạn bảo hiểm, phí bảo hiểm, thời hạn thanh toán phí bảo hiểm.
h) Ngày, tháng, năm cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm.
i) Mã số, mã vạch được đăng ký, quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật để lưu trữ, chuyển tải và truy xuất thông tin định danh doanh nghiệp bảo hiểm và định danh sản phẩm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
3. Trường hợp cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử, doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân thủ các quy định của Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành; Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử phải tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành và phản ánh đầy đủ các nội dung quy định tại khoản 2 Điều này.”
2. Không có, không mang bảo hiểm xe máy khi đi đường có bị phạt không?
Nhiều người thắc mắc khi tham gia giao thông có bắt buộc phải có bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, hay còn được gọi là bảo hiểm xe máy hay không. Theo quy định tại điểm (a) khoản 2 Điều 21 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) có quy định như sau:
“2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực”.
Như vậy, khi tham gia giao thông, người điều khiển xe cơ giới bắt buộc phải có Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực. Trường hợp không có, không mang Giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc mang Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới không còn hiệu lực thì người điều khiển phương tiện giao thông thuộc diện phải tham gia bảo hiểm bắt buộc sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định pháp luật nêu trên.
Quý bạn đọc có thắc mắc hoặc có nhu cầu cần được tư vấn về vấn đề nêu trên vui lòng liên hệ địa chỉ email: info@hnlaw.com.vn, SĐT: 0972362884 của Công ty Luật TNHH Hợp Nhất để được hướng dẫn thêm!
————————-
Người thực hiện: Nguyễn Việt Hà
Tham vấn bởi: CVCC. Tô Thị Nhung
(Bản quyền tác giả và sở hữu chuyên đề thuộc về Công ty Luật TNHH Hợp Nhất)