Trong quan hệ lao động hiện nay, người sử dụng lao động phải thực hiện việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Tuy nhiên, có những hợp đồng lao động người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Hãy cùng Hợp Nhất Law Firm tìm hiểu về các trường hợp nêu trên thông qua nội dung bài viết dưới đây:
1. Loại hợp đồng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội
Theo khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội trong quan hệ lao động là người ký một trong những loại hợp đồng sau:
- Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
- Hợp đồng lao động xác định thời hạn;
- Hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng.
Đặc biệt, Bộ luật Lao động năm 2019 đã không còn ghi nhận về hợp đồng thời vụ. Do vậy, trong quan hệ lao động hiện nay, người lao động chỉ giao kết 02 loại hợp đồng là hợp đồng xác định thời hạn và hợp đồng không thời hạn.
Như vậy, từ những quy định trên có thể thấy, trường hợp người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 1 tháng sẽ không phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Bên cạnh đó, các loại hợp đồng sau đây cũng không phải đóng bảo hiểm xã hội, bao gồm:
- Hợp đồng thử việc: Điều 24 Bộ luật Lao động năm 2019 cho phép người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận về nội dung thử việc trong hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng thử việc. Tuy nhiên, thử việc chỉ áp dụng với hợp đồng lao động có thời hạn từ 01 tháng trở lên. Đồng thời, Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 cũng quy định người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Do vậy, trường hợp người lao động thử việc theo hợp đồng thử việc không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Còn đối với trường hợp các bên thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động thì vẫn phải tham gia BHXH bắt buộc.
- Hợp đồng cộng tác viên: Đây là các loại hợp đồng chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự hiện hành, được xác định là loại hợp đồng dịch vụ. Do đó, người lao động làm việc theo loại hợp đồng này không phải đóng BHXH bắt buộc…
Như vậy, người lao động làm việc theo các loại hợp đồng dưới đây sẽ không phải đóng bảo hiểm xã hội:
- Hợp đồng lao động dưới 01 tháng;
- Hợp đồng thử việc;
- Hợp đồng cộng tác viên.
Ngoài ra có thể sẽ còn các loại hợp đồng khác không phải đóng bảo hiểm xã hội, tuy nhiên bài viết này chỉ đưa ra các loại hợp đồng đang được sử dụng phổ biến hiện nay.
2. Trường hợp người lao động không bắt buộc tham gia BHXH có được tự nguyện đóng bảo hiểm không?
Theo khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định:
“4. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.”
Như vậy, nếu người lao động không thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì có thể lựa chọn đóng theo diện bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Tại khoản 3 Điều 3, Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có quy định rõ về bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình.
Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ như hưu trí và tử tuất.
3. Công ty có phải trả thêm tiền lương cho người lao động không phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không?
Theo Điều 168 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp như sau:
“1. Người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; người lao động được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
Khuyến khích người sử dụng lao động, người lao động tham gia các hình thức bảo hiểm khác đối với người lao động.
2. Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì người sử dụng lao động không phải trả lương cho người lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.
3. Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.”
Theo đó, đối với người lao động không thuộc diện bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Quý bạn đọc có thắc mắc hoặc có nhu cầu cần được tư vấn về vấn đề nêu trên vui lòng liên hệ địa chỉ email: info@hnlaw.com.vn, SĐT: 0972 362 884 của Công ty Luật TNHH Hợp Nhất để được hướng dẫn thêm!
————————-
Người thực hiện: CV. Tô Thị Nhung
Tham vấn bởi: CV. Đặng Thị Ngọc Anh
(Bản quyền tác giả và sở hữu chuyên đề thuộc về Công ty Luật TNHH Hợp Nhất)