Chú không có vợ, con qua đời thì cháu có được thừa kế tài sản không?

Vấn đề thừa kế luôn nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội, dù trong trường hợp có hay không di sản và người thừa kế. Thông thường, những người được quyền thừa kế di sản của người mất là những người thân gần gũi nhất với người mất như vợ, chồng hoặc con, bố, mẹ. Tuy nhiên đôi khi vẫn có những trường hợp người mất không có vợ, con thì những người thân khác trong gia định như cháu gọi bằng chú ruột hoặc bác ruột… có được thừa kế tài sản hay không? Hãy cùng Hợp Nhất Law Firm tìm hiểu thông qua nội dung bài viết dưới đây:

1. Quy định của pháp luật về thừa kế

Tại Điều 609 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định:

Điều 609. Quyền thừa kế

Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.”

Quy định về người thừa kế được quy định tại Điều 613 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:

Điều 613. Người thừa kế

Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.”

Như vậy, khi một người qua đời thì việc người thừa kế có được hưởng di sản hay không được xác định theo di chúc hoặc theo pháp luật.

2. Chú không có vợ, con qua đời thì cháu có được hưởng thừa kế không?

2.1. Trường hợp chú qua đời có để lại di chúc

Theo quy định tại Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015, di chúc là “sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.” Vì vậy, việc thừa kế theo di chúc có thể hiểu là việc người thừa kế được hưởng di sản của người mất theo ý chí của người đó được thể hiện thông qua di chúc.

Trong trường hợp người chú qua đời có để lại di chúc có nội dung thể hiện việc người chú cho người cháu của mình được hưởng di sản thì người cháu sẽ được hưởng di sản nếu đáp ứng được các điều kiện về người thừa kế được quy định tại Điều 613 Bộ luật Dân sự năm 2015.

2.2. Trường hợp chú qua đời không để lại di chúc

Trong trường hợp người mất không để lại di chúc thì việc thừa kế sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật, theo quy định tại khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự năm 2015:

Điều 650. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật

1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:

a) Không có di chúc;

b) Di chúc không hợp pháp;

c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

Việc thừa kế theo pháp luật được quy định tại Điều 649 Bộ luật Dân sự năm 2015, theo đó, “Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.”

Như vậy, trường hợp người chú qua đời không để lại di chúc thì việc người cháu có được hưởng thừa kế không được xác định theo việc người cháu thuộc hàng thừa kế thứ mấy và có còn những người thừa kế thuộc hàng thừa kế trước hay không.

Những người thừa kế theo pháp luật được quy định tại khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015:

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.”

Như vậy, cháu ruột của người mất mà người mất là chú ruột là người thừa kế theo pháp luật thuộc hàng thừa kế thứ ba. Trường hợp người chú qua đời không có vợ, con và không còn cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con nuôi, ông bà nội, ông bà ngoại, anh, chị, em ruột thì người cháu mà người mất là chú ruột sẽ được hưởng di sản thừa kế của người mất.

Quý bạn đọc thắc mắc hoặc có nhu cầu cần được tư vấn về vấn đề nêu trên vui lòng liên hệ địa chỉ email: info@hnlaw.com.vn, SĐT: 0972362884 của Công ty Luật TNHH Hợp Nhất để được hướng dẫn thêm!

————————-  

Người thực hiện: Nguyễn Việt Hà

Tham vấn bởi: CVCC. Tô Thị Nhung

(Bản quyền tác giả và sở hữu chuyên đề thuộc về Công ty Luật TNHH Hợp Nhất)

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *