1. Khái niệm Phiếu lý lịch tư pháp
Căn cứ Khoản 4 Điều 2 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 quy định “Phiếu lý lịch tư pháp là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.”
2. Mục đích xin/cấp Phiếu lý lịch tư pháp
Căn cứ Điều 3 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 quy định việc cấp, quản lý lý lịch tư pháp nhằm các mục đích sau:
- Đáp ứng yêu cầu cần chứng minh cá nhân có hay không có án tích, có bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.
- Ghi nhận việc xoá án tích, tạo điều kiện cho người đã bị kết án tái hoà nhập cộng đồng.
- Hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự và thống kê tư pháp hình sự.
- Hỗ trợ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
3. Các loại lý lịch tư pháp hiện nay
Theo quy định tại Điều 41 Luật Lý lịch tư pháp, phiếu lý lịch tư pháp được chia thành 2 loại:
- Phiếu lý lịch tư pháp số 1: được cấp cho cá nhân (công dân Việt Nam, người nước ngoài đã từng hoặc đang cư trú tại Việt Nam) hoặc cơ quan, tổ chức có yêu cầu nhằm phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, công ty. Phiếu này thường dùng trong trường hợp xin việc làm, xin giấy phép lao động cho người nước ngoài, bổ sung hồ sơ xin việc.
- Phiếu lý lịch tư pháp số 2: cấp cho các cơ quan tiến hành tố tụng (như Công an, Viện kiểm sát, Tòa án) phục vụ công tác điều tra, xét xử hoặc cấp cho cá nhân để họ biết được nội dung lý lịch tư pháp của bản thân. Đặc biệt, phiếu sẽ cần trong hồ sơ định cư Mỹ, xin visa hôn phu/thê hoặc hồ sơ nhận con nuôi
4. Trình tự, thủ tục xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp
Hiện nay, Quý bạn đọc có thể xin thực hiện thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp bằng 03 hình thức như sau: Làm lý lịch tư pháp trực tiếp tại cơ quan cấp Lý lịch tư pháp; Làm lý lịch tư pháp online; Làm Lý lịch tư pháp qua bưu điện. Tại bài viết này Luật Hợp Nhất sẽ hướng dẫn thủ tục xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp bằng hình thức trực tiếp tại cơ quan nhà nước.
4.1. Trình tự, thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1
Bước 1: Người yêu cầu[1] cấp Phiếu lý lịch tư pháp nộp hồ sơ bao gồm:
(1) Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp;
(2) Bản chụp Căn cước công dân hoặc hộ chiếu của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp;
Cơ quan tiếp nhận:
– Sở Tư pháp nơi thường trù: Đối với công dân Việt Nam có nơi thường trú
– Sở Tư pháp nơi tạm trú: Đối với trường hợp không có nơi thường trú;
– Sở Tư pháp trước khi xuất cảnh: Đối với trường hợp cư trú ở nước ngoài
– Sở Tư pháp nơi cư trú: Đối với người nước ngoài cư trú tại Việt Nam;
– Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia: Đối với người nước ngoài đã rời Việt Nam
Bước 2: Cấp Phiếu lý lịch tư pháp
Trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ hoặc một số trường hợp đặc biệt có thể kéo dài đến 15 ngày. Cơ quan có thẩm quyền phải câp Phiếu lý lịch tư pháp cho người có yêu cầu.
4.2. Trình tự, thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2
Bước 1: Cơ quan tố tụng có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp gửi văn bản yêu cầu đến một trong các Cơ quan sau
Cơ quan tiếp nhận:
– Sở Tư pháp nơi người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp thường trú hoặc tạm trú
– Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia nếu không xác định đươc nơi thường trú hoặc tạm trú của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp hoặc của người ngước ngoài đã cư trú tại Việt Nam.
Bước 2: Cấp Phiếu lý lịch tư pháp
Trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ hoặc một số trường hợp đặc biệt có thể kéo dài đến 15 ngày. Cơ quan có thẩm quyền phải câp Phiếu lý lịch tư pháp cho người có yêu cầu.
Trên đây là toàn bộ nội dung liên quan đến Phiếu lý lịch tư pháp và trình tự, thủ tục đề nghị cấp Phiếu lý lịch tư pháp
Quý bạn đọc có nhu cầu cần được tư vấn các quy định chi tiết xin vui lòng liên hệ địa chỉ email: info@hnlaw.com.vn; SĐT: 0972362884; website: luathopnhat.com.vn của Công ty Luật TNHH Hợp Nhất để được hướng dẫn thêm!
————————-
Phụ trách nội dung: Phan Thị Hiền – CVPLCC Công ty Luật TNHH Hợp Nhất
(Bản quyền tác giả và sở hữu chuyên đề thuộc về Công ty Luật TNHH Hợp Nhất)
[1] Việc đề nghị cấp Phiếu lý lịch tư pháp có thể ủy quyền cho người khác thực hiện (trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì không cần văn bản ủy quyền) và phải được lập thành văn bản.